Bên bàn trà, mấy vị có nhiều chữ ngồi bàn chuyện với nhau. Một ông nói:
- Tiếng Việt mình hay thật, nhiều từ rất đa nghĩa.
- Thì đúng rồi, chẳng hạn từ "đi" vừa được hiểu là sự chuyển dịch bằng đôi chân, vừa chỉ một người đã chết. Tra từ điển tiếng Việt thì từ "ăn" có đến 13 nghĩa.
- Đọc tục ngữ thì mới thấy tính đa nghĩa của văn chương Việt rất thâm thúy, chẳng hạn "Gió Sơn Tây trúc (nghiêng đổ) cây Hà Nội" có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Rất lý thú...
Thấy anh bạn mải mê bàn luận văn chương, ông bạn muốn lôi các bạn về thực tế cuộc sống, nên nói:
- Bây giờ, nghe có lệnh không được lấy tiền công để mở tiệc chiêu đãi lu bù thế mà họ vẫn mở đại tiệc lu bù có rượu ngoại và thức ăn sang trọng đầy bàn rồi nói: "Xin mời các vị dự bữa cơm đoàn kết" thế là tránh được từ "tiệc" bị cấm.
- Đúng là, trong kháng chiến chúng ta có những bữa cơm bình thường, có một hai món tươi mời nhau bữa cơm đoàn kết để chia tay hoặc để đón bạn, chứ đâu tiệc tùng gì, bây giờ bị biến tướng để phung phí tiền Nhà nước!
- Lại còn...
- Còn gì nữa?
- Chúng ta hay nói bồi dưỡng, tiền bồi dưỡng để thêm cặp vào tiền công bù đắp cho những người phải hoạt động vất vả, độc hại, nguy hiểm.
- Nhưng ông ơi, từ bồi dưỡng bây giờ trong không ít trường hợp giả mạo cho sự hối lộ. Người được bồi dưỡng béo khỏe, làm việc trong phòng có máy lạnh mà nhận tiền "bồi dưỡng" hàng va-li tiền cho công gật đầu hoặc cái chữ ký béo bở cho nhà thầu.
- Đấy đâu phải chuyện chữ nghĩa!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét