PN - Sau khi đặt vòng tránh thai được hai tuần, hai nữ công nhân bỗng nhiên đau bụng, khó chịu. Đến bệnh viện khám, các bác sĩ phát hiện hai chị đã có thai 4 - 5 tuần. Điều đáng nói, sau đó cả hai nữ công nhân đều bị sẩy thai nhưng đến nay, chế độ, chính sách dành cho họ vẫn chưa được giải quyết.
Hơn hai tháng trôi qua, nhưng chị Phạm Thị L. (24 tuổi, ngụ Bình Dương) vẫn nhớ như in câu chuyện bi hài mình gặp phải. Chị L. kể: "Ngày 29/7/2013, tôi tới phòng khám đa khoa An An Bình (thuộc xã An Bình, Dĩ An, Bình Dương) để thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Sau khi hoàn tất thủ tục và kiểm tra, thăm khám xong, bác sĩ (BS) đã thực hiện thủ thuật đặt vòng tránh thai cho tôi. Sau đó, tôi được BS cho về nhà nghỉ ngơi.
Những ngày sau đặt vòng, tuy có cảm giác khang khác trong người, nhưng nghĩ do mới đặt vòng nên tôi không chú ý. Đến sáng 17/8, khi ngủ dậy, tôi có cảm giác đau bụng, sợ đau ruột thừa nên nhờ chồng chở đến phòng khám đa khoa An An Bình kiểm tra sức khỏe. Thật bất ngờ, sau khi khám và siêu âm, các BS chẩn đoán tôi bị sẩy thai và cái thai đã được năm tuần tuổi".
Vụ việc chị Phạm Thị L. chưa kịp lắng xuống thì bất ngờ chúng tôi lại nhận được tin chị Đậu Thị A. (32 tuổi) cũng bị sẩy thai sau khi đặt vòng tránh thai được hai tuần. Ngày 10/9, chị A. tới đặt vòng tránh thai tại phòng khám đa khoa Hoàn Hảo (Thuận An, Bình Dương) và được BS chỉ định nghỉ dưỡng từ ngày 10/9 đến 16/9. Đến 1/10/2013, do đau bụng dữ dội và xuất huyết âm đạo nên chị A. được người thân chuyển vào khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Từ Dũ. Kết quả, chị A. bị sẩy thai khi thai đã được bốn tuần tuổi.
Trao đổi với chúng tôi, hai nữ công nhân không chỉ bức xúc trước việc mình phải chịu nhiều đau đớn, tổn thương vì sẩy thai sau khi đặt vòng, mà hiện họ đang phải đối mặt với nguy cơ bị Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM từ chối thanh toán chế độ hưởng BHXH trong những ngày điều trị khi bị sẩy thai. Chị Phạm Thị L. cho biết: "Tôi phải nằm viện ba tuần để điều trị, tĩnh dưỡng theo chỉ định của BS. Xuất viện, tôi trở lại công ty làm việc. Khoảng giữa tháng 9/2013, tôi được công ty chi trả gần hai triệu đồng tiền nghỉ bệnh (sẩy thai) theo chế độ BHXH. Thế nhưng, sang đầu tháng 10, phòng tài chính kế toán báo rằng tôi phải hoàn trả (bằng cách cấn trừ lương) cho công ty số tiền này, vì hồ sơ của tôi không được BHXH quyết toán".
Dù có giấy xác nhận của cơ sở y tế nhưng hiện hai nữ công nhân vẫn chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội
Chị Đậu Thị A. cũng cho biết, hơn một tháng qua, chị chưa được giải quyết chế độ theo quy định. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi thấy trường hợp của chị Phạm Thị L. không được Bảo hiểm Y tế TP.HCM thanh toán nên khi chị Đậu Thị A. nộp giấy nghỉ bệnh 10 ngày (từ 1/10 đến 10/10) do sẩy thai sau đặt vòng thì cán bộ phòng nhân sự và kế toán của công ty đã tạm thời từ chối thanh toán chế độ BHXH nghỉ ốm cho chị Đậu Thị A.
Lý giải vấn đề này, một cán bộ BHXH TP.HCM cho biết, ở đây có ba khả năng. Thứ nhất là BS không kiểm tra kỹ, nên không phát hiện tình trạng có bầu và vẫn đặt vòng (lỗi này rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của cả bà bầu lẫn thai nhi). Nếu là trường hợp này, bảo hiểm sẽ không thanh toán. Bệnh nhân cứ nhằm cơ sở y tế mà... kiện. Thứ hai, cũng có thể xảy ra những trường hợp cá biệt mà y văn đã ghi nhận là có thai sau khi đặt vòng hoặc sử dụng biện pháp tránh thai. Trường hợp này cơ quan BHXH phải xem xét kỹ hồ sơ, có hội đồng thẩm định, đánh giá, việc này cũng mất khá nhiều thời gian. Trường hợp thứ ba, không loại trừ việc người ta không đặt vòng.
"Đây là tình huống hi hữu nên rất khó giải quyết vì đã thanh toán chế độ đặt vòng rồi, làm sao quyết toán việc sẩy thai được? Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ xem xét lại", cán bộ này cho biết thêm.
Cách lý giải của cán bộ phụ trách BHXH TP.HCM như vậy là chưa thỏa đáng, "làm khó" người lao động. Bởi với hai trường hợp này, việc có thai, sẩy thai sau khi đặt vòng đều ngoài ý muốn người lao động. Vì thế, nếu họ đã đóng bảo hiểm thì có quyền được giải quyết chế độ bảo hiểm chứ không thể chờ làm rõ nguyên nhân (không biết đến khi nào, vì BHXH không đưa ra thời hạn cụ thể). Chưa kể, với khả năng đây là sai sót của nhân viên y tế trong quá trình đặt vòng thì để được giải quyết chế độ, người lao động phải đi kiện cơ sở y tế nơi họ đặt vòng, khác nào quả bóng trách nhiệm đã bị đá lung tung.
Tại sao cơ quan bảo hiểm không thanh toán cho người bệnh rồi yêu cầu cơ sở y tế hoàn lại cho mình? Với khả năng thứ ba, BHXH cần nhanh chóng làm rõ, vì nếu có chuyện hồ sơ giả thì đơn vị nào đã đứng ra chứng nhận để các công nhân được thanh toán chi phí đặt vòng trước đó, cách xử lý thế nào để cảnh báo những ai có ý định tương tự?
TIẾN ĐẠT