Thiên hạ gọi nó là Đồng. Dân xóm chợ, quen mồm, gọi Đồng bằng hỗn danh: Đồng "điên"! Điên là đúng, bởi Đồng ăn mặc hết sức cổ quái: áo nhét trong quần, nai nịt cẩn thận; nhưng đầu lại đội mũ rách, chân mang dép lê. Chưa hết, Đồng còn có thói quen hai tay đút túi đi ưỡn ẹo ngoài đường theo kiểu... người mẫu thời trang, miệng nghêu ngao hát. Bộ dạng Đồng - tóm lại là "hổng giống con nào trong mười hai con giáp!".
Còn cái tên Đồng cũng đúng nốt. Tứ thời bát tiết chỉ có chiếc sơ mi mỏng mảnh, cả ngày hè đổ lửa cũng như ngày đông buốt ruột vậy mà Đồng ta không chết, không đau. Xem ra chú chàng nếu chẳng phải Đồng thì chí ít cũng là Sắt...
Dân xóm chợ chẳng phải là vô lí khi luôn mồm gọi: Đồng "điên". Điên chính là lí lịch trích ngang của Đồng. Cũng giống như ta nói "Ông A - Viện sĩ"; "Ông B - Nhà văn" hay "Ông C - Giám đốc"...
Đồng "điên" sống bằng nghề... ăn xin. Nhưng Đồng không xin bừa bãi. Đồng có "địa chỉ hành nghề" cẩn thận. Địa chỉ hành nghề của Đồng là các trạm xăng. Đồng túc trực ở trạm xăng từ sáng sớm, phụ giúp chủ hàng quét dọn, sau đó xin tiền lẻ của khách. Cách xin của Đồng cũng rất lạ: "Ông (bà) giúp cháu chút tiền lẻ, cháu sẽ cầu nguyện kẻ khuất mặt phò hộ ông (bà)". Có vẻ như không phải Đồng đang xin mà là Đồng đang bán hàng; món hàng "phò hộ" của những kẻ khuất mặt!
Khách mua xăng có kẻ cho người không, nhưng đa số là cho. Trước tình trạng đường sá bất ổn, tai nạn gia tăng, món hàng "phò hộ" của Đồng xem ra... thập phần có lí. Vài đồng lẻ đáng gì. Thôi, mua quách! Nhận được tiền, Đồng đứng thẳng người, nhét túi, trịnh trọng cảm ơn, tác phong đĩnh đạc như một... nhà kinh doanh cỡ bự!
Khi không làm việc, Đồng "điên" cũng có nhu cầu giải trí. Giờ trạm xăng vắng khách, Đồng rời "nhiệm sở" thả bộ đến quán cà phê. Đồng bước vào, kéo ghế.... Không, không phải Đồng kêu cà phê uống. Đồng chẳng xa hoa tới cỡ ấy. Đồng kéo ghế chỉ để... ngồi. Không xin xỏ, không hỏi han, Đồng ngồi dựa ngửa ngắm đất, ngắm trời và ngắm... khách. Trừ những hôm rủi ro khách vắng, còn lệ thường, thế nào cũng có vị khách quen nhận ra Đồng. Nói đáng tội, giá Đồng tiến lại kèo nhèo xin xỏ, hẳn các vị sẽ quay mặt, đuổi phắt, có khi còn tương theo vài câu nói khó nghe. Nhưng cái bộ dạng phớt tỉnh, bất cần kia lại khiến các vị tự thấy có nghĩa vụ phải... rút thuốc mời Đồng. Có vị còn hào phóng mời cả cà phê. Mất một lúc từ chối chiếu lệ, Đồng mới nhận lời. Và cứ nhìn cái cách Đồng "điên" vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cà phê, mắt lim dim, miệng phì phèo thuốc lá, người ta có thể hình dung ra phong thái của một nhà quí tộc...
*
Những món tiền xin được Đồng xài vào ba việc: Mua cơm, sạc gaz bật lửa và... mua hương. Cơm đương nhiên phải ăn. Ăn là một động từ bắt buộc, dù Hoàng đế hay ăn mày, nhà thông thái hay... thằng điên cũng đều phải ăn. Còn sạc gaz? Vụ này hơi lạ. Đồng ít hút thuốc, mà giả sử có hút, Đồng cũng không cần thiết đến mức phải trang bị bật lửa riêng. Ấy vậy mà Đồng có bật lửa riêng, bật lửa "xịn" hẳn hoi. Và cứ mươi bữa, Đồng lại phải sạc gaz. Có lần chú Hỏa sạc gaz đầu phố - do cao hứng, hoặc nảy ý khuyến mãi - định tặng Đồng món tiền còm công xá, Đồng cương quyết từ chối. Hỏi, Đồng bảo: "Chú khổ...". Ấy là Đồng bảo thế, nhưng hình như không hẳn thế. Xem ra, Đồng khoái chuyện sòng phẳng. Sòng phẳng đó là con dấu đảm bảo chất lượng cho mọi mối quan hệ. Chú Hỏa nể nang Đồng thấy rõ. Chú tiếp xúc, chuyện vãn với Đồng không phải như với một kẻ điên. Chú thấy nơi Đồng một nhà Xã hội học?
Nhiều lần, thấy Đồng cầm bó hương to, chú Hỏa hỏi: "Mua hương làm gì nhiều thế?". Đồng trả lời: "Để làm phúc". Chú Hỏa trợn mắt. Một gã ăn mày đi làm phúc? Chuyện cũng khó tin như chuyện ông lái lợn được phong Thánh, hay một vị "Phụ Mẫu Chi Dân" mang tiền đi hối lộ... dân nghèo. Chú Hỏa bán tín bán nghi, chẳng hiểu Đồng "làm phúc" kiểu gì mà lại... mua hương. Máu "hình sự" của chú nổi dậy. Giao hàng cho thằng nhỏ học việc, chú quyết tâm theo dõi Đồng. Trưa. Nắng. Chú thấy Đồng lầm lũi đi, rồi rẽ vào nghĩa địa. À, ra thế! Chắc là có người thân - chú Hỏa nghĩ bụng. Nhưng... đã trót điều tra, phải điều tra tới nơi. Chú Hỏa lần theo vào nghĩa địa. Nấp sau ngôi mộ đá, chú thấy Đồng đốt hương bằng bật lửa. Cầm bó hương nghi ngút khói, Đồng đi loanh quanh, cắm hương lên từng mộ. Lạ một điều, Đồng không cắm hương các mộ nhà giàu. Mộ nào càng xập xệ đổ nát, điệu bộ cắm hương của Đồng càng trân trọng. Đồng cứ cần mẫn cắm hương, miệng khấn vái, dáng vẻ trịnh trọng, nghiêm trang như tu sĩ trong giờ hành lễ.
Chú Hỏa suýt ngã ngửa. Ra kiểu "làm phúc" của Đồng là vậy. Mắt chú hoa lên. Trong cái nắng lung linh buổi trưa, chú như nhìn thấy thấp thoáng bóng những cô hồn trồi lên khỏi mộ, kẻ đứng, người ngồi. Trong yên lặng buổi trưa, chú nghe như có tiếng chuyện vãn thầm thì, tiếng cười, tiếng khóc.... Chú Hỏa dựng cả tóc gáy. Tai chú ù đặc. Mắt chú trợn trừng. Đôi chân run bắn, nặng như đá đeo của chú cố bước giật lùi, giật lùi. Ra khỏi nghĩa địa, chú cắm đầu chạy. Như ma đuổi!
|
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú. |
Đồng "điên" còn có một thói quen khác. Đồng thích đi dự các đám tang. Chỉ đám tang thôi, còn đám cưới, đám giỗ thì... miễn, Đồng không bao giờ léo hánh. Với Đồng, hình như mùi vị đám tang có sức quyến rũ kì lạ. Bất cứ nơi đâu, cứ nghe ba hồi trống giục là Đồng có mặt. Đồng cặm cụi làm mọi việc có thể. Đám tang, bao giờ cũng có cả người buồn thật và kẻ buồn cho... phải phép. Riêng Đồng, Đồng không buồn. Mặt Đồng cứ tĩnh tại, an nhiên như không. Giữa vòng vây những bộ mặt rầu rĩ, cái dáng vẻ... tỉnh bơ của Đồng trông thật chướng mắt! Mọi người phẩy tay: "Ôi, thằng điên nói làm gì...". Được cái, Đồng được việc nên người ta chả dám nặng lời. Nặng lời, Đồng nổi khùng không thèm làm thì hỏng bét!
Đồng "điên" làm tất tật: bưng bê, mang vác, đánh trống, cầm cờ.... Nếu có nhu cầu, Đồng cũng sẵn sàng phụ đào huyệt hoặc ghé vai khênh người chết ra nghĩa địa. Hạ huyệt đắp nấm xong, trước khi về, Đồng còn quay lại mộ dặn với: "Ông (bà) cứ yên tâm nằm đây. Mai mốt cháu sẽ ra nói chuyện với ông bà...". Gia chủ bực, nhưng sau đó thì suýt bật cười. Chỉ "suýt" thôi, bởi mặt mũi đang ướt nhèm mà cười thì... quả khó coi. Còn ra thể thống gì nữa? Ấy vậy nhưng, kì cục, câu nói "điên điên" của Đồng lại làm cho gia chủ bỗng cảm thấy nhẹ lòng...
Có lần, làng Hạ vớt được một xác chết trôi. Cái xác trần truồng, bụng trương to, da bợt từng mảng; một bên tai bị cá rỉa mất. Pháp y khám nghiệm xong, ủy ban đứng ra lo mai táng. Xác chết lênh đênh hơn tuần lễ, bốc mùi khủng khiếp, không ai dám đụng. Làng Hạ trước có lão Năm Chồ, chuyên lo hậu sự cho những cái xác vô thừa nhận. Khổ, lão vừa lăn ra chết toi hồi năm ngoái. Đang cơn bối rối, có người chợt nhớ tới Đồng "điên". "Ừ, hay thử nhờ nó, may ra...". May thật, Đồng nhận lời. Không chỉ nhận lời, Đồng còn làm cẩn thận, chỉn chu, đâu ra đấy. Chôn xong, trước khi về, Đồng còn ngoái cổ, dặn với: "Ông sứt tai ơi, ông cứ yên lòng nằm đây. Mai mốt...". Các vị có trách nhiệm thở phào. Xem ra, thằng Đồng "điên" còn hơn lão Chồ một bậc. Hồi còn sống, mỗi ca hậu sự, lão Chồ đòi trả công 5 lít rượu bọt mất đứt non hai tờ xanh. Còn Đồng, khỏi cần rượu chè lôi thôi, đồng chỉ xin một tờ đỏ để... mua hương!
Có lời đồn đại rằng: Đồng "tương thông" được với ma quỉ. Người ta lý luận: Không "tương thông" sao không sợ người chết, sao lại "nói chuyện" được với ma? Bọn trẻ giàu tưởng tượng còn kháo nhau, nửa đêm, khi xóm làng yên ngủ, Đồng không thèm đi trên mặt đất, Đồng bay, bay đi gặp gỡ, chuyện trò với các linh hồn! Thực hư thế nào chẳng ai biết. Người lớn kiêng dè Đồng; nhưng lũ trẻ thì lại thích. Đúng hơn, vừa thích vừa sợ. Trong thế giới mà Vương Quốc Cổ Tích ngày càng bị thu hẹp, tàn phá, Đồng quả là một pho cổ tích sống. Bố mẹ cấm đoán! Mặc! Chúng cứ lân la theo Đồng. Những câu chuyện truyền tụng, những hành tung bí hiểm của Đồng khiến bọn trẻ tha hồ thêu dệt khoái đến mê tơi...
*
Ít lâu nay, xóm chợ xuất hiện thêm thằng Tuân "mát". Tuân "mát" nguyên là võ sĩ. Trong một lần thượng đài, rủi ro, Tuân bị đối phương choang một phát vào đầu. Cú choang ấy làm Tuân chấn thương sọ não, trở thành "đứt sợi".
Tuân "mát" là một kẻ vô hạnh. Lúc tỉnh Tuân đã vô hạnh, đến khi điên, Tuân vẫn là một thằng điên vô hạnh. Tuân sống bằng xin xỏ, giật dọc, trộm cắp - mà chủ yếu là giật dọc và trộm cắp. Thấy đàn bà trẻ, Tuân theo bén gót, rình... bóp vú. Bị đánh, bị chửi, Tuân bỏ chạy, vừa chạy vừa buông những lời tục tĩu, mặt nhơn nhơn. Gặp kẻ mạnh thì Tuân chờn nhưng gặp người yếu bóng vía là Tuân làm tới. Khổ thân cho bà già, phụ nữ đi chợ gặp Tuân là mắt dơi mắt chuột, tìm đường lủi cho lẹ. Hàng quán nào bị Tuân ám coi như... khỏi bán!
Từ ngày có Tuân, dân xóm chợ phải nhiều phen khốn khổ. Chuyện mất cắp trở thành cơm bữa. Tuân "mát" quơ tất tần tật từ xe đạp, thùng, xô, chổi cùn rế rách đến... đồ lót đàn bà. Có thứ Tuân lấy để bán. Có thứ Tuân lấy để... chơi. Bán hay chơi, khổ chủ cũng đều khổ bởi không thể nào kiện cáo hay truy tố một thằng điên. Đánh nó, nếu lỡ tay, lại bị xem là phạm pháp. Ủy ban nhiều lần phải cho dân quân bắt, áp giải Tuân lên thành phố, tống vào bệnh viện tâm thần. Nhưng cứ mươi bữa, nửa tháng Tuân lại trốn về. Về, nhất định không đi đâu, Tuân cứ lò dò về xóm chợ. Có lẽ trong cái ức lù mù của Tuân chỉ có xóm chợ mới đích thị là đất hứa.
Không riêng dân xóm chợ khốn khổ, cả Đồng "điên" cũng bị khốn khổ. Tuân "mát" xuất hiện, việc "kinh doanh" của Đồng sa sút hẳn. Khách mua xăng bực mình với Tuân, bực lây đến cả Đồng. Không riêng khách mua xăng, khách uống cà phê cũng thế. Điều ấy có nghĩa việc "giải trí" của Đồng cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Cái thằng Tuân mất dạy đã làm ông khách dễ tính nhất cũng trở nên cáu kỉnh. Đồng ngồi, cứ việc "vô tư" mà ngắm trời ngắm đất, chẳng ai thèm mời thuốc lá, cà phê hay hỏi han đến Đồng. Giận cá chém thớt chuyện đời cũng dễ hiểu. Khi bực mình thằng mát, người ta dễ... giận lây tới thằng điên. Điên hay mát thì cũng cùng một giuộc.
Chưa hết, tai vạ Tuân gây ra cho Đồng không chỉ dừng lại ở đó. Một bữa, thấy Đồng đội chiếc mũ mới, ông khách uống cà phê nhận ra chính chiếc mũ mình vừa bị mất cắp. Ông túm lấy Đồng, tát cho mấy tát nổ đom đóm, thu hồi chiếc mũ. Người hiếu kì xô lại hỏi, ông khách thở hổn hển, mặt đỏ như gà chọi: "Đồ... đồ ăn cắp!". Đồng mếu máo: "Cháu không...". "Thế... mũ ở đâu mày có?". "Cháu nhặt...". "Nhặt ở đâu?". "Ở... ở đống rác". Ông khách cười khẩy: "Hừ! Rành rành tang chứng còn chối quanh! Ai lạ gì lũ lưu manh chúng mày! Lần này tao tha. Lần sau còn thế ông giết...". Ông khách hất mặt, oai vệ bỏ đi. Đám đông xôn xao. Người chép miệng: "Tội nghiệp thằng Đồng. Khi không tai bay vạ gió...". Kẻ khác vặc lại: "Tội gì? Nó bắt chước thằng Tuân, đổ đốn...". Cả đám ngớ ra. A! Đúng rồi, thằng Đồng bắt chước thằng Tuân. Bần cùng sinh đạo tặc mà! Gần mực thì đen, ông bà xưa đã dạy. Người tử tế đã vậy huống gì... thằng điên. Rõ ràng, khi xóm làng ngủ yên, chỉ có Đồng với Tuân là còn lẩn quẩn, đi đêm. Hôm trước, thấy thằng Tuân không kiếm chác được, đói mềm ngồi thu lu góc chợ, Đồng còn hào phóng chìa cho nó nửa khúc bánh mì!
Người ta trở nên cảnh giác với Đồng. Mỗi lúc Đồng mua hàng, các bà bán lại mắt trước mắt sau thấy tay Đồng táy máy cái gì là quát. Cả xóm chợ, họa may có chú Hỏa còn tử tế. Gặp Đồng, chú vẫn vui vẻ. Hình như, chú cứ nhất định không tin một người như Đồng lại có thể sinh đạo tặc. Nhất trí với chú Hỏa còn có bọn trẻ. Chúng cũng nhất định không tin cái pho cổ tích sống của chúng dính dáng vào những chuyện... không hề có trong cổ tích!
Riêng Đồng vẫn tỉnh bơ. Rảnh rổi, Đồng lại thọc tay túi quần đi ưỡn ẹo ngoài đường theo kiểu người mẫu, miệng hát nghêu ngao. Có điều, dạo này ít thấy Đồng mua hương. Chắc là thiếu tiền.
*
Người đàn ông nằm lăn lộn vệ đường, mặt mũi đầy máu. Chiếc xe máy đổ nghiêng, dè bửng bể nát. Dân xóm chợ xúm đông đỏ, chen vòng trong vòng ngoài...
- Đánh lộn à?
- Không phải. Hình như say rượu.
- Đáng kiếp! Nốc cho lắm vào.
- Phải, y như mày...
- Bố khỉ! Như mày thì có.
- Ê, sao không ai đưa lão lên trạm xá nhỉ?
- Ấy chớ! Hẵng chờ Công an tới. Đụng vào, lão đổ vấy cho mình thì mang vạ!
Người đàn ông yếu ớt giơ tay, mấp máy đôi môi dập nát, thều thào:
- Cứu...
Một thanh niên chợt rẽ đám đông tiến vào, lẳng lặng bế xốc nạn nhân, đi về hướng trạm xá. Mọi người kinh ngạc, nhìn kĩ. Tưởng ai, hóa ra lại là... Đồng "điên"!
Ông y sĩ đang cắm cúi chăm sóc nạn nhân. Ngoảnh lại, thấy Đồng còn xớ rớ, ông cau mặt, quát:
- Đứng làm gì đấy, đồ điên? Định "chôm" đồ hả? Biến!
Từ khoá: trạm xăng gia