Sau ba năm (2009-2012) thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), số người tham gia khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân hiện còn gặp không ít khó khăn.
Người dân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Chính sách BHYT đi vào cuộc sống
Theo UBND thành phố, từ năm 2009 đến nay, việc thực hiện BHYT đã được triển khai rộng khắp tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng, góp phần đưa chính sách BHYT đi vào cuộc sống. Đến hết năm 2012, thành phố có hơn 4,8 triệu người tham gia BHYT (63,43% số dân) tăng hơn một triệu người so với trước khi Luật BHYT được ban hành.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, những năm qua, thành phố mở rộng các đối tượng tham gia BHYT, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Đến nay, thành phố có 1,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 86,7%. Khối cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, có gần 47.300 đơn vị với hơn 1,7 triệu lao động tham gia BHYT. Với các đối tượng tự nguyện nhân dân, có 734.700 người tham gia, đạt 28,17%, trong đó hơn 28 nghìn người tạm trú tham gia.
Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm các trường hợp hỗ trợ để tham gia BHYT từ ngân sách. Đến nay, đã có hơn 246.500 trường hợp thuộc nhóm này được cấp thẻ với số tiền 351 tỷ đồng. Riêng các hộ có thu nhập bình quân từ 8 đến 16 triệu đồng/người/năm (theo chuẩn cận nghèo của thành phố) được hỗ trợ 50%. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ 15% chi phí đồng chi trả cho các đối tượng cận nghèo khi mắc các bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo. Những chính sách đó giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế, trong đó có các dịch vụ kỹ thuật cao.
Để chăm sóc tốt sức khỏe người dân bằng chính sách BHYT, cùng với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, thành phố cũng khuyến khích các cơ sở ngoài công lập tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Hiện, thành phố có 128 cơ sở tham gia khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có 44 bệnh viện, phòng khám tư nhân. Từ chính sách BHYT từng bước thu hút người dân tham gia khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, năm 2009, thành phố có gần 9,7 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, đến năm 2012, con số này tăng lên gần 12,8 triệu lượt. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, để phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, những năm qua, thành phố đầu tư phát triển cơ sở y tế tuyến dưới, trong đó nhiều bệnh viện quận, huyện được xây mới, chuyên môn được nâng cao đã thu hút người dân tới khám và điều trị bệnh.
Tại các cơ sở y tế, công tác khám, chữa bệnh cho người dân bằng BHYT ngày càng được quan tâm. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Trường Sơn cho biết: Cùng với tuyên truyền tới người bệnh về chính sách BHYT, đơn vị tìm cách nâng cao chất lượng phục người dân khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Nhờ vậy, số lượng các lượt khám, chữa bệnh bằng BHYT đã liên tục tăng.
Tạo thuận lợi để người dân tham gia BHYT
Trên thực tế, việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân hiện nay còn gặp không ít khó khăn. Sau ba năm triển khai Luật BHYT, tỷ lệ người dân TP Hồ Chí Minh tham gia chỉ tăng 2,43%, với tỷ lệ 63,43% số dân thành phố tham gia BHYT. Bên cạnh đó, đối tượng trẻ dưới sáu tuổi chỉ đạt 85% do chưa rà soát được số trẻ em thực tế trên địa bàn, nhất là với trẻ nhập cư.
Qua tìm hiểu, tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng BHYT trái tuyến tăng. Theo thống kê, năm 2010 có gần 677.600 lượt người khám bệnh trái tuyến, năm 2011 là gần 1,69 triệu lượt và năm 2012 là hơn 2,2 triệu lượt. Tình trạng này khiến nhiều cơ sở y tế quá tải... Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng quá tải người bệnh BHYT ở các bệnh viện và việc đối xử chưa hoàn toàn bình đẳng với các đối tượng khám dịch vụ, khiến người dân ngại tham gia và sử dụng các dịch vụ do BHYT chi trả; đồng thời có tác động ngược chiều với mong muốn vận động toàn dân tham gia BHYT. Việc chờ đợi để được khám bệnh, phát thuốc, đóng tiền chi trả vẫn còn chậm trễ, cửa quyền nên không khỏi khiến người bệnh phàn nàn.
Giám đốc Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá: "Độ bao phủ của chính sách BHYT còn thấp. Ngoài diện bắt buộc và hộ cận nghèo được UBND thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ mua thẻ BHYT, chỉ những người có bệnh mới tự giác mua thẻ". Để thu hút người dân tham gia BHYT, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh Cao Văn Sang bày tỏ, phải có quy định bắt buộc, như đã tham gia BHYT thì phải tham gia cả hộ gia đình. Có vậy mới nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình bằng cách giảm giá theo số lượng các thẻ mua theo hộ gia đình, cần mở rộng các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu bằng BHYT, trong đó có các trạm y tế xã. Trong buổi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần đưa trạm y tế xã vào hệ thống khám, chữa bệnh bằng BHYT. Nhiều trạm y tế xã trong cả nước đã tham gia hệ thống này có hiệu quả tốt, chi phí thấp. "Qua giám sát tại huyện Hóc Môn, người dân phản ánh, để đi lấy thuốc BHYT phải tới bệnh viện huyện, phải sắp hàng cả buổi để lấy thuốc BHYT. Trong khi việc này, trạm y tế xã có thể làm được. Nếu có trạm y tế xã, người dân có thêm lựa chọn khám, chữa bệnh ban đầu" - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố phấn đấu đến năm 2015 có 80% người dân tham gia BHYT và đến năm 2020 là 90%. Để đạt mục tiêu này, cùng các chính sách khuyến khích người dân tham gia BHYT, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
NGUYỄN NAM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét