(Kienthuc.net.vn) - Căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và có rất ít hy vọng sẽ lắng dịu trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. |
Ngay sau các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn bắt đầu vào đầu tháng Ba, Triều Tiên đã đe dọa hủy bỏ Hiệp ước đình chiến 1953 và cắt đứt các đường dây liên lạc nóng với Hàn Quốc.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước đình chiến hoặc cắt đứt đường dây nóng quân sự, mức độ đe dọa lần này là chưa từng thấy trong nhiều năm qua - trong đó có đe dọa tấn công Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân.
Ngày 31/3, KCNA đã đi xa hơn nữa, bằng cách tiết lộ hình ảnh một kế hoạch tấn công các mục tiêu ở Mỹ bao gồm Hawaii, San Diego, Washington DC và Texas.
Toàn bộ đất nước Triều Tiên đã được đặt trong tình trạng thời chiến. KCNA loan tin: "Đảng và các tổ chức quần chúng đã tổ chức họp khẩn cấp đồng thời, thảo luận chi tiết một loạt các nhiệm vụ được thực hiện trong thời chiến".
Triều Tiên cũng đã thông báo rằng nước này đã bước vào tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc và sẽ xử lý tất cả các vấn đề liên Triều theo điều kiện thời chiến.
Những hành động này đã khiến cho tất cả các cường quốc lớn trong khu vực lo ngại. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc xảy ra một hành động khiêu khích của Triều Tiên chỉ là vấn đề thời gian.
Vì sao lần này Triều Tiên lại làm căng như vậy?
Có một số "ngọn gió" tích tụ để tạo ra một "cơn bão lớn" hiện nay:
1. Các cuộc tập trận
Các cuộc tập trận hỗ hợp giữa Hàn Quốc và Mỹ vốn là một nguồn gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và Bình Nhưỡng đã cực lực phản đối trong nhiều năm qua. Cố lãnh đạo Kim Il-sung từng nói với một phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến thăm Triều Tiên rằng các cuộc tập trận nói trên là "chuẩn bị cho một cuộc xâm lược". Các cuộc tập trận này cũng chọc giận Triều Tiên vì những chi phí về kinh tế mà chúng gây ra.
Các cuộc tập trận nói trên khiến Triều Tiên phải đặt Các lực lượng vũ trang của nước này ở trong tình trạng báo động cao, tiêu tốn khá nhiều nguồn tài lực vốn đã rất hạn hẹp. Chỉ cần xem xét lượng dầu đã tiêu thụ trong 700 phi vụ gần đây của không quân Triều Tiên là thấy rõ mức độ tiêu tốn đến mức nào.
Không những thế, có tin nói các nhà máy ở Triều tiên đã chuyển hướng sản xuất từ hàng hóa dân sự sang hàng hóa quân sự.
Việc huy động các binh sĩ trực chiến cũng gây ra nhiều khá nhiều tốn kém. Quân đội Triều Tiên có liên quan rất nhiều với các doanh nghiệp làm kinh tế, đặc biệt trong ngành xây dựng. Quân đội này đã mất rất nhiều thời gian để tập trận, chuẩn bị chống xâm lược, trong khi đối với họ thời gian còn quí hơn cả vàng bạc.
2. Chu kỳ khiêu khích và trừng phạt
Trước khi các cuộc tập trận Mỹ-Hàn bắt đầu, căng thẳng đã gia tăng khi Triều Tiên thử nghiệm thành công một tên lửa tầm xa trong tháng 12/2012 và đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 trong tháng 2/2013. Cả hai hành động này dẫn đến việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) ra nghị quyết trừng phạt ngay sau đó.
Trong hai năm 2006 và 2009, Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa tầm xa và bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt. Ngay sau đó, nước này đã tiến hành thử hạt nhân.
Có thể nói, căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên hiện nay diễn ra theo chu kỳ "khiêu khích và trừng phạt này".
3. Vấn đề lãnh đạo ở Triều Tiên
Bước vào năm thứ hai trên cương vị Tư lệnh tối cao, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vẫn còn chưa được thử thách nhiều. Do đó, ông muốn leo thang căng thẳng để duy trì sự gắn kết trong đội ngũ lãnh đạo chóp bu.
Căng thẳng liên Triều gia tăng cùng với việc đề bạt tướng Kim Kyok-sik, một nhân vật theo đường lối cứng rắn và từng giám sát vụ pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn quốc hồi tháng 10/ 2010, và sự "tái xuất" của đại tướng Kim Yong-chol, vốn bị cho là chủ mưu vụ đánh đắm tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3/2010.
Cũng có những tin đồn rằng đã xảy ra một vụ mưu sát Kim Jong-un vào cuối năm 2012. Bất kể vụ mưu sát nói trên là có hay không, Kim Jong-un đã thị sát nhiều căn cứ quân sự hơn cha ông là Kim Jong-il.
4. "Nắn gân" tân Tổng thống Park Geun-hye
Triều Tiên có truyền thống "nắn gân" các vị tân Tổng tổng thống Hàn Quốc, trong vòng vài tuần sau lễ nhậm chức (14 tuần). Một hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên sẽ thử thách tân Tổng thống Park Geun-hye, người vừa nhậm chức ngày 25/2/2013. Nếu bà Park phản ứng một cách yếu ớt, điều này có thể gây hại nghiêm trọng đến vị thế chính trị của bà cũng như của Đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc.
5. Chiếm thế thượng phong trong đàm phán
Ngoài ra còn có khả năng Triều Tiên đang làm tất cả những điều này chiếm thế thượng phong, khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 2/2013, phóng viên Jean Lee của Associated Press nhận xét: "Theo cách nhìn nhận của Triều Tiên, chỉ với vũ khí lớn hơn và nhiều hành động khiêu khích đe dọa hơn sẽ buộc Washington ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về những gì mà Bình Nhưỡng thực sự mong muốn và đó là hòa bình"
6. Cải cách?
Với việc triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động và cuộc họp của Đại hội đồng nhân dân tối cao vài ngày sau đó, người ta đoán rằng cải cách kinh tế sẽ nằm trong các chương trình nghị sự.
Xem ra, lời giải thích có tính thuyết phục nhất về việc Triều Tiên leo thang đe dọa gần đây là một số các sự kiện quan trọng (nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức, các cuộc tập trận Mỹ-Hàn) đã xảy ra vào thời điểm mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cảm thấy bất an. Điều này có thể đã dẫn thái độ hiếu chiến bất thường của ông trong mấy tuần qua.
:
:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét