Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Baoviet Fund tổ chức Đại hội Nhà đầu tư Quỹ Đầu tư cổ phiếu Năng động Bảo Việt lần I/2014

PV.

    Tin liên quan:

  • Tìm hiểu chiến lược đầu tư năng động của Quỹ BVFED
  • Quỹ BVFED huy động được hơn 71 tỷ đồng
  • Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt chính thức được cấp phép chào bán chứng chỉ quỹ BVFED

Đại hội được tổ chức để bầu ra thành viên Ban Đại diện Quỹ và phê chuẩn một số nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của Quỹ như Điều lệ Quỹ sửa đổi, phương hướng và mục tiêu hoạt động của Quỹ năm 2014...

Toàn cảnh Đại hội Nhà đầu tư Quỹ BVFED lần thứ I/2014. Nguồn: baoviet.com.vn

Đại hội đã bầu ra Ban Đại diện gồm: ông Nguyễn Anh Tuấn (đại diện Tập đoàn Bảo Việt) làm Chủ tịch, ông Đỗ Anh Đức (đại diện Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam) và ông Nguyễn Nam Cường (Giám đốc Kiểm toán, Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế ) là thành viên độc lập.

Trước đó, Baoviet Fund đã nhận được giấy phép thành lập Quỹ BVFED do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp vào ngày 8/1/2014 và đã huy động thành công 71,3 tỷ đồng từ gần 140 nhà đầu tư. Nhận định về cơ hội và triển vọng thị trường cho Quỹ BVFED, ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc đầu tư của Baoviet Fund cho biết: "Trong năm 2014, thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng trưởng và là kênh đầu tư hấp dẫn. Năm 2013 vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp lớn, đầu ngành tiếp tục đạt được kết quả kinh doanh tốt, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn tăng trưởng mạnh nhờ chiếm lĩnh được thêm thị phần do các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn. Do đó, định hướng đầu tư của Quỹ sẽ là tập trung đầu tư vào các cổ phiếu trong rổ VN30, sử dụng chiến lược đầu tư năng động để điều chỉnh cơ cấu tài sản linh hoạt, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ thị trường. Tài sản của quỹ sẽ là các tài sản thanh khoản nhất thị trường".

Đại hội đã diễn ra thành công tốt đẹp và bầu ra Ban Đại diện Quỹ. Nguồn: baoviet.com.vn

Được biết, BVFED là quỹ đầu tiên trên thị trường lựa chọn chiến lược đầu tư chủ động, điều chỉnh tỷ trọng của các loại tài sản đầu tư trong danh mục một cách linh hoạt để kịp thời nắm bắt các cơ hội đầu tư trên thị trường cổ phiếu và lãi suất cố định. Tài sản nắm giữ của Quỹ BVFED sẽ bao gồm các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30, là chỉ số hội tụ các cổ phiếu lớn, đầu ngành, có chất lượng tốt nhất. Đồng thời, để giảm thiểu rủi ro cho danh mục, Quỹ sẽ đầu tư thêm vào các công cụ lãi suất cố định có tính thanh khoản cao nhất, đáp ứng nhu cầu rút vốn của nhà đầu tư. Trong những thời điểm thị trường chứng khoán thuận lợi,  tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục Quỹ có thể lên đến 95% để tối đa hóa lợi nhuận. Ngược lại, tỷ trọng trái phiếu có thể đạt tối đa 80%.

Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt được thành lập từ năm 2005, chuyên cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, đa dạng về quản lý danh mục đầu tư, lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán.  Kế thừa thương hiệu của Tập đoàn Bảo Việt, cùng với những nỗ lực trong việc hoàn thiện mô hình quản lý đầu tư, quản trị doanh nghiệp, lấy nhân lực làm giá trị cốt lõi, lấy yêu cầu của khách hàng làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt đã không ngừng phát triển và trở thành một trong những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp hàng đầu trên thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường tài chính không ngừng biến động, hoạt động đầu tư của Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt  vẫn luôn đạt được những kết quả khả quan. Hiện nay, Công ty đang quản lý 6 danh mục và 1 quỹ thành viên với kết quả đầu tư được đánh giá khá cao so với mặt bằng thị trường. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản của công ty luôn đảm bảo ở mức trên 20%. Mức tăng trưởng bình quân tổng tài sản quản lý của công ty trong giai đoạn 2006 - 2012 đạt 9%/năm.  Tại thời điểm 31/12/2013, tổng tài sản quản lý của công ty đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Từ khoá: nguyễn anh tuấn baoviet tái bảo hiểm đầu tư tài chính thị trường tập đoàn bảo việt chiến lược kết quả thị trường chứng khoán công ty công ty quản lý quỹ tăng trưởng tài sản quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thị trường tài chính cổ phiếu bảo việt tư vấn tài chính tài chính thị trường việt nam doanh nghiệp thuận lợi chứng khoán bão giảm thiểu rủi ro công ty cổ phần tổng tài sản

Diện đồ nhạy cảm trước mặt nhà sư: Sự hồn nhiên, sexy nguy hiểm

(GDVN) - Mới đây nhất, người mẫu Hoàng Thùy cũng khiến người xem "phát sốt" khi tạo dáng trước mặt nhà sư ở Thái Lan.

Trong thời gian vừa qua, có không ít mỹ nhân việt khiến fan hâm mộ lắc đầu thất vọng trước những hành động bị cho là "thiếu văn hóa" của họ. 

Nude bên cạnh nhà sư

Ảnh nude không phải là điều quá xa lạ với người đẹp Việt. Từ sao lớn đến sao bé, ai cũng đã từng "khoe" ảnh nude hoặc bán nude với những mục đích vô cùng tốt đẹp mà chỉ nghe thôi, người ta đã không nỡ lên án.

Thái Nhã Vân trong bộ ảnh mang tên Thoát

Tuy nhiên, phải đến Thái Nhã Vân thì "nghệ thuật nude" mới đạt đến cảnh giới thượng thừa. Bộ ảnh mang tên "Thoát" của nữ diễn viên xinh đẹp với một nhà sư khiến dư luận dậy sóng. Nhiều người cho rằng bộ ảnh của Nhã Vân đã làm "ô uế" cửa Phật.

Đáp lại phản ứng của dư luận, Thái Nhã Vân khẳng định: "Ai thấy mình trong sạch, cứ ném đá tôi". Dù bị chỉ trích rất nhiều nhưng bộ ảnh nude để thiền cũng giúp cái tên Thái Nhã Vân được nhiều người biết đến.

Mới đây nhất, người mẫu Hoàng Thùy cũng khiến người xem "phát sốt" khi tạo dáng trước mặt nhà sư ở Thái Lan. Chiếc áo suông cùng chiếc quần "siêu ngắn" khiến người xem có cảm giác cô diện mốt "không quần" nơi của Phật. Bức ảnh này cũng được lan truyền một cách chóng mặt trên mạng và nhận được không ít phản ứng trái chiều từ phía người hâm mộ.

Hoàng Thùy và chiếc váy "siêu ngắn" bên cạnh nhà sư ở Thái Lan

Chia sẻ trong một bài phỏng vấn, Hoàng Thùy cho biết, bức ảnh khiến dư luận xôn xao vừa qua nằm trong bộ ảnh chụp cùng tạp chí Elle Việt Nam từ cách đây một năm. Hoàng Thùy khẳng định, bộ ảnh này còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các sư thầy tại Thái Lan. Hoàng Thùy cho biết: "Có thể do góc hình nên khiến mọi người hiểu lầm. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất tiếc vì sự nhầm lẫn này".

Phải chăng vì công việc, vì sự nổi tiếng, một số người đẹp Việt chấp nhận thực hiện những hành động phản cảm nơi cửa phật như chụp ảnh nude hay ăn mặc hở hang nơi tu hành? Hay họ không nhận ra rằng việc làm của mình không phù hợp với văn hóa của cộng đồng mình đang sinh sống?

Uốn éo ở bảo tàng hay "đu" trên tượng đài chiến thắng

Cách đây 3 năm, ca sỹ Thủy Tiên bị chỉ trích nặng nề khi chọn bối cảnh là phòng trưng bày các bức tượng về chiến tích chiến tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh để quay MV ca nhạc mang tên "Em đã quên". Hình ảnh Thủy Tiên mặc gợi cảm uốn éo bên bức tượng thể hiện tình quân dân và bức tượng thể hiện sự đoàn kết đấu tranh khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán.

Thủy Tiên mặc gợi cảm uốn éo trong Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh

Sự hồn nhiên của Thủy Tiên trong MV cho thấy một sự "yếu văn hóa". Dường như ekip thực hiện không hề biết rằng mình đang "phạm húy".

Không chỉ có Thủy Tiên, Hoa hậu biển Việt Nam Nguyễn Thị Loan cũng từng khiến fan hâm mộ thất vọng. Nguyễn Thị Loan với trang phục gợi cảm cùng với một vài người bạn ngồi lên các khẩu pháo được lưu giữ tại Bảo tàng phòng không không quân.

Thực ra, ngay cả các em học sinh khi tham quan bảo tàng, di tích cũng được giáo dục "không được sờ vào hiện vật". Chính vì vậy, hành động của Nguyễn Thị Loan khiến nhiều người sốc là điều dễ hiểu.

Sự hồn nhiên, sexy ở những nơi cần sự tôn nghiêm kể trên không khỏi khiến chúng ta giật mình. Sẽ là rất nguy hiểm nếu những mỹ nhân kể trên không ý thức được hành động của mình không phù hợp với "thuần phong mỹ tục" của dân tộc.

Nguyễn Thị Loan trên bệ pháo ở Bảo tàng phòng không không quân

Tuy nhiên, sẽ là nguy hiểm hơn nếu họ hoàn toàn ý thức được điều đó.

Là những người làm văn hóa, hơn ai hết, các nghệ sỹ phải hiểu biết một cách đầy đủ và sâu sắc nhất về các giá trị văn hóa.

Chỉ khi những giá trị truyền thống được tôn trọng, chúng ta mới có thể xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ khoá: văn hoá bức tượng bão thái lan

Chồng bế vợ, bà trải chiếu nằm sân bệnh viện chờ cháu

Đầu năm mới, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Phụ sản Trung ương đông nghẹt không có chỗ nên chồng bế vợ trên lòng, bà trải chiếu nằm sân đợi cháu mới sinh.

Bà bầu chen nhau chờ khám

9h sáng 10/2, khu khám bệnh phía trong bệnh viện Phụ sản TW đã đông nghẹt người ngồi chờ đến lượt làm thủ tục khám.

Bệnh viện đã có những cải tiến đáng kể trong việc xếp hàng khám. Bệnh nhân đến viện được hướng dẫn lấy số. Nếu khám theo bảo hiểm sẽ có hệ thống số riêng so với khám dịch vụ.

Vì quá đông, không còn chỗ nên người chồng phải bế vợ trong lòng.

Chị Hồng (sinh năm 1983) ở Vĩnh Hưng, Hà Nội cho biết: "Tôi đã có 1 con trai 6 tuổi nhưng giờ muốn có thêm em bé mà mãi không đậu thai nên đầu năm mới đã suốt ruột, muốn đến khám xem tình hình thế nào".

Theo chị Hồng, bệnh viện đã sắp xếp được chỗ ngồi cho lượng bệnh nhân đông, không còn cảnh  chen lấn nhau lên làm thủ tục khám. Ai đến trước sẽ có số để khám trước.

Tuy nhiên, chị Hồng khá bức xúc vì chị có bảo hiểm nên chị ấn lấy số để khám bảo hiểm. Khi chờ đến lượt thì nhân viên tiếp đón nói, chị khám để biết tại sao mãi không đậu thai thì phải khám dịch vụ.

 "Thế nên dù đã đến lượt nhưng tôi lại phải quay ra lấy lại số khám bên dịch vụ. Giờ  đã gần 11 giờ rồi nhưng vẫn chưa đến lượt đây. Lần sau rút kinh nghiệm, tôi lấy cả số bên khám dịch vụ cả bên bảo hiểm cho đỡ mất thời gian", chìa số thứ tự là 1.660 chị Hồng nói.

Còn chị Thúy (sinh năm 1987, Hà Nội), đã có con 2 tuổi nhưng gần ngày Tết, chị  thấy ra dịch hồng nhưng vì là 28 Tết nên chị cố chịu để đầu năm mới đi khám.

Chị Thúy không ngờ mới những ngày đầu năm mà bệnh viện đã đông nghịt thế này. Số chờ đến lượt của chị Thúy cũng lên tới 1.664, và đã gần 11 giờ trưa. Chị bảo rằng, chắc chị sẽ ở ăn trưa ở viện và đợi khám vào buổi chiều.

Theo chị Thúy, nếu về nhà ăn cơm, nhà chị ở xa thì đi lại cũng quá tội.

Không chỉ ở khu khám bệnh trong viện, mà khu khám bệnh tự nguyện ở 56 Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đông kẹt người.

Phía ngoài, bà bầu xếp hàng dài đợi lấy số, hành lang dọc các phòng khám, các ghế  đợi không còn chỗ, bà bầu phải  đứng chờ đến lượt khám.

Một bà bầu sắp đến ngày sinh khệ nệ 1 tay bê bụng, 1 tay giữ eo đi nhích từng bước. Bên cạnh chị phải có 1 người đỡ. Chốc chốc, chị lại kêu lên để những người khác không chạm vào bụng vì đông.

Chồng bế vợ, bà trải chiếu nằm sân

Cũng ở phòng khám 56, vì quá đông bà bầu, nên một chị phải ngồi trên lòng chồng bế. Cảnh tượng khá xúc động khi người chồng không ngần ngại vừa ôm vợ vừa nựng.

Người thân đi trông sản phụ  trải chiếu ở sân viện.

 Trong sân, ở góc bệnh viện, một nhóm các bà trải chiếu, trải chăn ngồi co ro chống rét. Thôi thì nào túi, nào chăn, nào cặp lồng, phích...

Bà Hòa, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội cũng đang ngồi chờ cháu xuất viện. Ngày lạnh đột ngột, các bà, các chị ai có chăn mang chăn, ai có chiếu mang chiếu ra trải. Rồi tất cả nằm chung cho ấm cúng.

Bà Hòa kể: "Thôi thế là mừng rồi, cả Tết cứ thấp thỏm chuyện con đẻ, giờ mẹ tròn con vuông rồi, dù vất vả tí nhưng cũng đã qua".

Khi được hỏi về chuyện bác sỹ, điều dưỡng ở viện chăm sóc bệnh nhân có tốt không?

Một chị bên cạnh nói chen vào: "Bác sỹ rất tốt và nhiệt tình. Tôi không thấy họ đòi hỏi gì nhà tôi cả. Mà nhà tôi cũng là nông dân, lấy đâu ra tiền biếu bác sỹ".

Cũng chính chỗ này, năm ngoái phóng viên cũng gặp những người phải nằm vạ vật để đợi giờ được vào chăm sản phụ.

Anh Quân (Hà Giang) đưa vợ lên nằm viện Phụ sản TW vì chửa trứng. 2 ngày đầu đợi phẫu thuật, 2 vợ chồng anh đã bỏ ra 1 triệu đồng để ở khách sạn. Từ khi nhập viện, vợ nằm trong phòng bệnh, còn anh ở ngoài lang thang. Khi cần, gọi là anh có mặt.

Một hình ảnh khá hài hước mà lại khá buồn đập vào mắt phóng viên VTC News khi đi thực tế tại bệnh viện Phụ sản TW là cùng một chiếc chiếu, đàn ông, đàn bà nằm chung tất.

Có hôm trời mưa, nằm ở hiên, nước mưa bắn vào ướt cả chăn. Họ đi chăm người bệnh nhưng họ vẫn cần sống, vẫn cần nghỉ ngơi. Ở viện này,  tuy có ốm đau, bệnh tật nhưng vẫn có cái để mà hy vọng.

Anh Lê Quang Huy (Đông Anh) có vợ nằm đây chia sẻ: Bệnh viện TW tay nghề bác sĩ rất tốt. Vào đây, chúng tôi rất an tâm. Biết đông là khổ nhưng vẫn đổ xô lên đây. Nhưng ở đây, chi phí tốn kém quá. Đi tắm gội có nước nóng mất 50 ngàn đồng, đánh răng 15 ngàn, đi vệ sinh mất từ 2 ngàn đến 4 ngàn đồng.

Ở trong viện có khoa dinh dưỡng cung cấp cơm, cháo. Tuy nhiên, vì quá đông nên chúng tôi phải xếp hàng chờ. Khi đến lượt mua thì không có thời gian. Vì viện chỉ cho người nhà vào chăm bệnh nhân trong thời gian nhất định.

Đi mua thức ăn cho bệnh nhân ăn rồi còn vệ sinh cho vợ nữa. Dù mua trong viện an toàn nhưng với những lý do trên, chúng tôi vẫn phải ra ngoài viện mua cho nhanh. Tôi mong muốn, viện tăng  cường thêm người bán đồ ăn trong viện, cần có vòi nước công cộng cho người nhà bệnh nhân dùng.

Người phụ nữ này đang cầu nguyện cho cháu đang nằm tại viện vì sinh non.

Trong buổi sáng đầu năm mới, cũng tại viện phụ sản TW, một cảnh tượng khá xúc động khác là một người phụ nữ đứng chắp tay lạy trước tượng bán thân của GS Đinh Văn Thắng, người có công xây dựng nên bệnh viện Phụ sản TW.

Người phụ nữ ấy chắp tay, miệng lầm rầm cầu nguyện. Đợi bà cầu xong, phóng viên đến gần hỏi thăm. Bà cho biết: "Tôi quê ở Nghệ An, ra đây chăm cháu đã hơn 1 tháng rồi. Con dâu tôi sinh non từ trước Tết, cháu tôi chỉ hơn 1,3 kg, vì mẹ nó mang bầu mới 30 tuần thì vỡ ối. Lúc đó, nó đang ở Nghệ An, quê  chồng.

Ngay sau đó, gia đình chuyển nó về Hà Nội và nhập viện Phụ sản TW. Cháu bé sinh ra phải được chăm sóc đặc biệt. Sau đó,  sức khỏe đã ổn định nhưng rồi sức khỏe cháu lại xấu đi nên phải chuyển vào phòng chăm sóc đặc  biệt.

Tôi ra đây cầu nguyện cho cháu được mạnh khỏe. Thôi, sắp đến giờ được vào với cháu, tôi vào cho kịp nhé". Nói rồi, bà vội vã đi.

Theo VTC

Từ khoá: bão bệnh viện bảo hiểm bên bảo hiểm dịch vụ khám bệnh bệnh nhân

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

"Nút thắt" của tinh giản biên chế: Xác định vị trí việc làm

(HNM) - Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến đóng góp.

Trong dự thảo nghị định này đã có nhiều điểm đổi mới và trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đưa ra chỉ tiêu cụ thể: Trong vòng 6 năm (từ 2014-2020) sẽ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người (khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc). Mục tiêu này có khả thi không khi những vướng mắc làm hạn chế hiệu quả tinh giản biên chế thời gian qua vẫn chưa tháo gỡ xong?

Mục tiêu quan trọng của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Bảo Kha
Mục tiêu quan trọng của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Bảo Kha

Làm rõ số lượng, đối tượng tinh giản

Dự thảo Nghị định Chính sách tinh giản biên chế này cơ bản khắc phục được những hạn chế khi đưa ra cụ thể số lượng và đối tượng cần tinh giản chứ không chung chung như Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung quy định về các trường hợp cần tinh giản như: Những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác; những người có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá, xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Quy định như vậy nhằm mục đích sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo đúng ngành nghề đào tạo, đồng thời, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp có năng lực yếu qua việc phân loại, đánh giá hằng năm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Quy định về đối tượng tinh giản biên chế do sức khỏe yếu nêu rõ: "Những người trong 2 năm liên tiếp gần thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số từ 30 ngày nghỉ làm việc trở lên do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau do quy định hiện hành". Quy định như vậy phù hợp hơn so với quy định đánh giá những đối tượng này tại Nghị định 132. Bởi những người ốm đau thường được cơ quan, tổ chức ít giao việc nên đánh giá họ không hoàn thành nhiệm vụ là không thỏa đáng.

Các đối tượng tinh giản biên chế, nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, thì ngoài hưởng chế độ hưu trí, không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Họ còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH (từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương). Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ các chế độ ưu đãi đối với các đối tượng tinh giản biên chế thuộc các lứa tuổi khác. Đồng thời, các CBCCVC thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước cũng được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định.

Không để tinh giản nhầm đối tượng

 

Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ, dự kiến sau 6 năm (từ 2014-2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Theo lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến mức lương tối thiểu sẽ tăng hằng năm, do vậy dự kiến phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số CBCCVC trong 6 năm khoảng 8.000 tỷ đồng.

Góp ý vào dự thảo Nghị định tinh giản biên chế, nhiều chuyên gia nhận định: Dự thảo Nghị định cơ bản đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định 132/2007/NĐ-CP, có sửa đổi, bổ sung thêm những quy định cho phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để không tinh giản "nhầm" đối tượng thì phải thực hiện bằng được việc cơ cấu lại đội ngũ CBCC theo vị trí việc làm rồi mới thực hiện tinh giản biên chế. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh: "Điều quan trọng là từng cơ quan phải rà soát, đánh giá chức năng nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở đó xác định số người cần có để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như xác định được chỉ tiêu cần tinh giản".

Đến thời điểm hiện nay, một số bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc xác định vị trí việc làm. Bộ Nội vụ cũng đang tích cực hỗ trợ các bộ, địa phương còn lại triển khai việc này. Thành phố Hà Nội đã xác định được vị trí việc làm của 4 đơn vị: Sở Nội vụ, Sở TN&MT, UBND quận Long Biên và UBND huyện Đan Phượng. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết: "Việc xác định được vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức là căn cứ để xác định biên chế và bố trí công chức đủ về số lượng, đạt về chất lượng nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính, đồng thời là cơ sở để quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển, đánh giá, nhận xét công chức hằng năm. Hà Nội đang tiếp tục triển khai để sớm hoàn thành đề án, bảo đảm tiến độ áp dụng tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện, thị xã".

Như vậy, cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, "nút thắt" cơ bản nhất là việc xác định vị trí việc làm đã đang được tháo gỡ để có cơ sở xác định biên chế, đánh giá cán bộ. Bộ Nội vụ sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đóng góp bằng văn bản vào dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế đến ngày 20-2; lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức đến hết ngày 24-3 để nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ ban hành. Hơn lúc nào hết, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tâm huyết đóng góp ý kiến xây dựng nghị định, vì mục tiêu chung: Xây dựng một nền công vụ "Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả".

 

* Anh Lê Việt Trung, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai: Hiện nay, vị trí việc làm của nhiều công chức trong tình trạng chưa đúng so với ngành nghề, bằng cấp được đào tạo. Ngoài ra, "vấn nạn" chạy chức, chạy quyền, chạy việc cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều công chức, viên chức "ngồi" không đúng chỗ. Việc xét đối tượng tinh giản biên chế thông qua công tác tổ chức, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị... cần dựa trên cơ sở các tiêu chí, chuẩn mực cụ thể và phải được thực hiện một cách công khai, dân chủ.

* Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Đông Quang, huyện Ba Vì: Chính phủ công bố Dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, nhấn mạnh trong 6 năm (2014-2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế khiến sinh viên mới ra trường như chúng tôi càng thêm lo lắng. Theo tôi, việc tinh giản biên chế là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, cùng với việc tinh giản biên chế thì các bộ, ngành, địa phương... cũng cần có kế hoạch tuyển dụng thêm công chức, viên chức mới có năng lực, trình độ chuyên môn vào làm việc, tạo điều kiện để họ được cống hiến.

* Anh Đỗ Văn Hưng, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai: Theo tôi, để xây dựng một đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương... cần nghiên cứu nhằm đổi mới công tác tuyển dụng biên chế, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những hành vi chạy công chức, chạy chức, chạy quyền, chứ không nên chỉ tính đến việc tinh giản biên chế như hiện nay.

* Ông Ngô Mạnh Doanh, phường Phú La, quận Hà Đông: Tôi rất băn khoăn liệu việc thực hiện tinh giản biên chế có thu được hiệu quả khi Dự thảo Nghị định mới chỉ đưa ra con số cụ thể cho nỗ lực giảm số lượng công chức, nhưng lại bỏ ngỏ vấn đề tuyển đầu vào. Dự thảo cũng chưa đề cập giải pháp bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan, đơn vị sau tinh giản biên chế. Hơn nữa, thời gian triển khai thực hiện có kịp đáp ứng mục tiêu đưa ra khỏi bộ máy 100.000 cán bộ thuộc diện "sáng cắp ô đi..."?

Dương - Hằnglược ghi

Từ khoá: triển khai quy định đóng góp khám chữa bệnh chính sách xây dựng bảo hiểm xã hội gia tuyển dụng hiệu quả chính phủ trợ cấp chất lượng đồng bảo hiểm nghị định bão việc làm chuyên môn nâng cao chất lượng đào tạo xử lý nghiêm dự thảo hạn chế