SGTT.VN - Theo lịch thời vụ, tôm thẻ chân trắng đã được thả nuôi gần một tháng. Thế nhưng, do tôm loại này thả nuôi đầu vụ 2013 chết hàng loạt nên đến thời điểm này, nhiều đồng tôm ở Quảng Ngãi bỏ trống.
Kiểm tra tôm nuôi tại vùng nuôi tôm xã Đức Phong, huyện Mộ Đức. |
Đồng nuôi tôm ở xóm É, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã thả nuôi hơn mười ngày nay. Thế nhưng hàng chục hộ nuôi tôm ở đây không khỏi phập phồng. "Trước tết Nguyên đán, tui thả 50 vạn con giống xuống hai hồ nuôi có 5.000m2. Sau nửa tháng, tôm chết trắng hồ. Tui kiểm tra còn khoảng năm bảy trăm con. Buồn lòng nhưng cũng để dập dịch, tui lấy thuốc về dập luôn cả hồ. Thế là trên 40 triệu đồng đã ném xuống nước", ông Đoàn Phương Quang than thở.
Theo ông Quang, tôm chết rất... lạ. Trong khi hồ của ông và một hồ bên ngoài chết trắng, thì một hồ của hộ nuôi ở giữa vẫn... bình an vô sự. Trong khi đó, đồng tôm Cồn Ngao này được khai thác nuôi tôm từ các năm 1993, 1994 rất ổn định.
Khoảng ba năm trở lại đây, các hộ nuôi tôm ở xứ Đồng Đá Bia và Cồn Ngao của xã Bình Chánh này đã nhiều bận lao đao vì tôm thi nhau phơi bụng khi thả nuôi được từ 15 - 45 ngày. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, chủ nhiệm hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản xã Bình Chánh, đồng tôm của xã từ năm 2009 về trước từng cho gần 180 tấn thương phẩm, nhưng vụ này chỉ có 15/31ha hồ được thả nuôi.
Thê thảm hơn xã Bình Chánh, người nuôi tôm thẻ chân trắng nổi tiếng ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức thời gian này cũng đắng lòng với tôm chết. Ông Phạm Đủ, ở thôn Thạch Than cho biết mình nuôi tôm hơn mười năm nay nên không thể nói là "non kinh nghiệm". Với 8.000m2 hồ nuôi tôm, trong vòng ba năm nay đều lỗ 100 triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Lợi, nuôi tôm tại đây cũng cho biết, bốn hồ nuôi tôm của mình đã cho... lỗ gần 700 triệu đồng trong vòng bốn năm qua.
Ông Hưng, chủ nhiệm hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Bình Chánh cho rằng tôm chết do kết hợp nhiều nguyên nhân, như nước sông lấy nuôi tôm ô nhiễm do nước thải của khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất (khu kinh tế Dung Quất), bà con không tuân thủ lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi, thức ăn nuôi tôm không đạt chất lượng... nhưng có lẽ giống tôm là nguyên nhân chính. Bởi hầu hết lấy giống chợ trôi nổi, ngoài tỉnh không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định.
Trong một hội thảo chia sẻ về tôm nuôi mới đây tại Quảng Ngãi, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tôm chết là do giống. Hầu như tôm có biểu hiện: thả nuôi từ 15 - 40 ngày là không ăn, bơi chậm chạp, đầu nổi lên tấp vào bờ, tôm nhợt nhạt và chết nhanh. Biểu hiện này không chỉ có ở tỉnh Quảng Ngãi mà các vùng nuôi tôm trong nước đều gặp phải. Theo ước tính, trong năm 2012, cả nước có khoảng trên 100.000ha nuôi tôm, bị thiệt hại 4.000 tỉ đồng do tôm chết dịch bệnh nói trên. Theo công bố của tổng cục Thuỷ sản vào cuối tháng 2.2013, tôm chết vụ nuôi năm nay là do hội chứng hoại tử gan tuỵ ở tôm. Đây là do giống tôm xấu (nhiễm vibrio), thả nuôi trong môi trường có hiện diện thuốc bảo vệ thực vật, oxy trong nước thấp, độ mặn cao... Và, do tôm chết nhiều nên đợt 1 vụ nuôi năm nay, cả tỉnh Quảng Ngãi dự kiến xuống giống 620ha, nhưng hiện chỉ có vài chục hecta được thả nuôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét