Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Sếp trù dập, cho nghỉ việc không báo trước

(Soha.vn) -Cách đây 2 tuần, tôi nhận được thông báo nghỉ việc. Theo tôi được biết luật lao động quy định phải có kỉ luật, nhắc nhở vài lần mới bị nghỉ việc.

Sếp trù dập, cho nghỉ việc không báo trước - sep-e1218-_53_0_303_490-crop1405096188690p.jpg

Câu hỏi:

Tôi làm việc tại 1 tư nhân đã hơn 3 năm, đã được kí hợp đồng vô thời hạn. Tuy nhiên cách đây vài tháng có 1 ông sếp mới về. Trước đó tôi đã từng làm việc với người này và xảy ra xích mích nên tôi chuyển đi. Nay ông ấy về làm sếp của tôi và chắc chắn ông ấy vẫn không thiện cảm với tôi và cũng vì tôi biết khá nhiều chuyện của ông ấy khi ở cơ quan cũ. Chính vì thế ông ấy luôn cố tình gây khó dễ trong công việc cho tôi như giao những việc không phải là thế mạnh, việc khó cứ đổ hết cho tôi rồi khắt khe, soi mói, phê bình. Tất cả mọi người trong phòng đều công nhận ông ấy trù dập và ghét tôi ra mặt.

Cách đây 2 tuần, tôi nhận được thông báo nghỉ việc. Theo tôi được biết luật lao động quy định phải có kỉ luật, nhắc nhở vài lần mới bị nghỉ việc mà tôi chưa hề nhận được mail phạt chung toàn công ty. Vậy việc đột xuất cho tôi nghỉ việc của sếp có vi phạm luật? Tôi có bị kiện không?

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng tư vấn luật Interla trả lời:

Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:

1. Việc sếp bạn cho bạn nghỉ việc trong trường hợp này là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Thứ nhất, trường hợp này sếp bạn không có lí do để ra quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với bạn. Điều này được thể hiện từ hai phía đó là phía NLĐ là bạn và phía NSDLĐ là sếp bạn.

+ Phía bản thân bạn, bạn không có các biểu hiện thuộc vào trường hợp bị chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 36, Điều 38 BLLĐ sửa đổi bổ sung năm 2012. Việc sếp bạn cố tình gây khó dễ cho bạn như đưa bạn vào vị trí không phải thế mạnh, giao việc ngoài khả năng của bạn như đã được đề cập trước trong quá trình giao kết HĐLĐ nếu trường hợp bạn có không làm tốt công việc thì lỗi không phải thuộc về bạn mà do bên công ty bạn.

+ Về phía NSDLĐ thì qua những gì bạn trình bày tôi không thấy tình trạng công ty này không thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại Điều 36, Điều 44 Điều 45 BLLĐ đó là thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì một lí do kinh tế nào đó hoặc là do việc thực hiện chia tách, sáp nhập công ty mà mặc dù sau khi đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể thu xếp được công việc mới thì công ty mới có quyền cho NLĐ thôi việc.

Như vậy, trong trường hợp này, sếp bạn không có lí do để chấm dứt HĐLĐ với bạn.

Thứ hai, sếp bạn có thể đã vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục ra quyết định chấm dứt HĐLĐ.

+ Vì HĐLĐ của bạn kí với công ty là loại hợp đồng vô thời hạn nên căn cứ vào Điểm a Khoản 2 Điều 38 BLLĐ thì NSDLĐ (ở đây là công ty mà bạn đang làm) phải báo trước cho bạn ít nhất là 45 ngày, cụ thể:

"Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;"

Ở đây, bạn có nói sau 2 tuần sếp bạn ra thông báo cho bạn nghỉ việc nhưng bạn không nói rõ là sếp bạn có ra luôn quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc quyết định sa thải bạn hay không vì thế tôi không thể khẳng định sếp bạn có vi phạm về thời gian báo trước hay không. Nếu như kể từ thời gian bạn nhận được thông báo cho nghỉ việc cho đến khi nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc một quyết định bất kì khác cho bạn nghỉ việc mà trong khoảng thời gian trước 45 ngày thì sếp bạn vi phạm về thời hạn báo trước.

+ Trường hợp quyết định của sếp bạn là quyết định sa thải thì trước khi ra quyết định sa thải thì phải được tiến hành đúng theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 123 BLLĐ. Theo đó sếp bạn phải chứng minh được lỗi của bạn, cuộc họp xử lí kỉ luật phải có mặt của đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở, có mặt bạn và người bảo vệ quyền lợi cho bạn. Sau đó biên bản cuộc họp phải được lập thành văn bản. Theo những gì bạn tình bày thì tôi nhận thấy sếp bạn không có cơ sở để sa thải bạn.

2.Về câu hỏi đó là bạn liệu có bị kiện hay không thì chúng tôi xin giải đáp bạn như sau:

Tôi khẳng định là bạn không thể bị kiện mà thậm chí trong trường hợp này tùy mức độ cụ thể bạn còn có quyền khởi kiện sếp bạn. Bởi trong trường hợp này công ty bạn đã chấm dứt HĐLĐ một cách đơn phương và trái pháp luật. Trước khi nộp đơn khởi kiện thì bạn có quyền yêu cầu sếp bạn nhận bạn trở lại làm việc hoặc bồi thường cho bạn các khoản trợ cấp và đảm bảo cho bạn một số quyền lợi khác được quy định tại Điều 42 BLLĐ và một số quyền lợi khác theo quuy định của pháp luật. Trường hợp nếu bạn không muốn trở lại làm việc thì sếp bạn phải bồi thường cho bạn các khoản trợ cấp và đảm bảo các quyền lợi khác cho bạn theo quy định tại Điều 42 BLLĐ.

Sau khi thực hiện những yêu cầu trên mà công ty bạn không thực hiện thì bạn có quyền làm đơn kiện gửi lên tòa án nơi đặt trụ sở công ty bạn đang làm hoặc nơi mà có sở kinh doanh, chi nhánh của công ty mà bạn đang làm việc, lao động trực tiếp tại đó trên cơ sở quy định tại Điều 201 BLLĐ và Điều 35 BLTTDS.

Trình tự bạn khởi kiện được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

1/ Đơn khởi kiện

2/Thu thập chứng cứ tài liệu để chứng minh quyền khởi kiện

Phụ thuộc vào tranh chấp mà các tài liệu cần thiết, tuy nhiên thông thường các chứng cứ, tài liệu để chứng minh quyền khởi kiện bao gồm:

- Hợp đồng lao động, hoặc quyết định vào làm việc;

- Các tài liệu chứng minh sự kiện tranh chấp giữa các bên như: Quyết định kỷ luật sa thải (Đối với các tranh chấp về kỷ luật lao động theo hình thức sa thải); Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (đối với tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động);

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện, tạm ứng án phí

- Bạn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng cách nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc Nộp hồ sơ khởi kiện bằng đường bưu điện

- Sau khi nhận được thông báo của Tòa án về việc nhận đơn khởi kiện và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí thì bạn đến Cơ quan thi hành án nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án để tòa án tiến hành thụ lý vụ án.

Bước 3: Tham gia phiên Tòa

Sau khi tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án, bạn tham gia phiên tòa khi được tòa án triệu tập. Nếu không tham gia phiên tòa phải có lý do chính đáng và gửi tới tòa án.

Sếp trù dập, cho nghỉ việc không báo trước - sep-tru-dap-cho-nghi-viec-khong-bao-truoc.jpg

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Luật sư Hòe luôn có những phân tích sắc sảo với mỗi vụ án. Ông từng tham gia bào chữa và giúp đỡ bào chữa miễn phí cho nhiều người dân. Vị luật sư này từng tham gia bào chữa cho nhiều tội phạm tuổi vị thành niên.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét