Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Muốn 'điểm mặt' tội phạm hiện nay

Phim Hương Ga chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú đang trong giai đoạn làm hậu kỳ. Phim này có nhân vật chính được xây dựng từ nguyên mẫu Dung Hà - trùm giang hồ một thời.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú có sự "so sánh" giữa Hương Ga và Phiên bản với TT&VH.

Ưa nét diễn của Trương Ngọc Ánh

* Được biết, anh đã xem bản nháp phim Hương Ga. Nội dung phim so với tiểu thuyết của anh có gì khác nhau?

- Về mặt tổng thể nội dung thì không khác, nhưng từng chi tiết thì có khác, vì tiểu thuyết là dùng ngôn ngữ còn phim là dùng hình ảnh để kể một câu chuyện. Có những chi tiết kể được bằng câu chữ nhưng không kể được bằng hình ảnh và ngược lại. Vì thế nếu ai đã trót "yêu" Phiên bản mà "nhăm nhăm" đi xem phim để tận mắt thấy chi tiết này hay chi tiết kia được đưa lên phim như thế nào thì sẽ có thể thất vọng.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Muốn điểm mặt tội phạm hiện nay - dinh-tu.jpg

* Nhân vật nổi trội trong tiểu thuyết và trong phim là Diệu vốn được xây dựng từ nguyên mẫu trùm giang hồ Dung Hà, theo anh, phim có lột tả được tính cách nhân vật này như anh đã viết trong sách?

- Dung Hà là một trùm giang hồ có thật ngoài đời nhưng tôi không dám nhận đó là nguyên mẫu của nhân vật Diệu (biệt danh Hương Ga) vì thế nếu ai biết quá rõ về cuộc đời của Dung Hà, lại đi xem phim với tâm thế xem "cuộc đời Dung Hà một cách hình ảnh hóa" thì sẽ thất vọng. Còn nhân vật Hương Ga trên phim đúng là nhân vật Hương Ga đã được tôi hư cấu trong tiểu thuyết. Tôi ưa nét diễn của Trương Ngọc Ánh.

Tôi là nhà văn, khi viết tiểu thuyết tôi tưởng tượng ra nhân vật theo cách của tôi. Còn khi xem phim, diễn viên Trương Ngọc Ánh và các bạn diễn khác đã cho tôi một hình dung cụ thể về các nhân vật mà mình từng viết ra. "Một hình dung cụ thể" không có nghĩa là có thể thay thế được tất cả những hình dung khác. Tôi trân trọng những gì mà đoàn làm phim Hương Ga đã làm được cho đến giờ phút này.

Phim "độc lập" với tiểu thuyết

* Anh là nhà văn quân đội, hẳn nhiên anh sẽ "thuận tay" khi viết về người lính. Thế nhưng Phiên bản lại viết về giới giang hồ, anh đã tích lũy chất liệu ra sao để có tác phẩm này. Và phim Hương ga đã khai thác hết các chất liệu từ tiểu thuyết của anh hay chưa?

- Đó là cả một câu chuyện dài vì với mỗi nhà văn, việc tích lũy chất liệu sẽ rất khác nhau, tùy thuộc vào cái duyên với đời sống của mỗi người. Phiên bản chỉ là 1 trong 7 cuốn tiểu thuyết của tôi cho đến lúc này và nó cũng chỉ phản ánh một mảng hiện thực mà tôi "tích lũy".

Cuốn tiểu thuyết quá dài rộng vì tôi có tham vọng "điểm mặt" hầu hết các kiểu tội phạm hiện nay, phim chỉ hơn 90 phút, không thể "tải" hết nội dung của cuốn tiểu thuyết đư���c. Nhưng phim lại có cái lợi thế "hình ảnh hóa" các suy tư, chiêm nghiệm của nhà văn, vì thế phim không bao quát hết được "diện" của tiểu thuyết nhưng đã khắc họa được những "điểm" cần khắc họa nhất của tiểu thuyết.

* Thường thì, các nhà văn hay nhà biên kịch ít khi hài lòng với bộ phim chuyển từ tác phẩm của mình. Thưa anh, Hương Ga chỉ là "phiên bản" nối dài của tiểu thuyết Phiên bản hay là một sản phẩm độc lập trong mắt khán giả xem phim?

- Cái này nên để khán giả đến rạp coi phim đánh giá. Tôi nghĩ là những người xem phim vừa là công chúng của văn học (đọc tiểu thuyết Phiên bản ) vừa là công chúng của điện ảnh (xem phim Hương Ga ) sẽ không nhiều đâu. Hoặc là người đọc sách sẽ không xem phim, hay rất ít trong số đó đi xem, hoặc là người xem phim sẽ không đọc tiểu thuyết. Vì thế về số đông khán giả đi coi phim, Hương Ga vẫn là một tác phẩm điện ảnh độc lập. Do vậy, phim hay là do những người làm phim giỏi chứ không phải là do tác phẩm văn học có giá trị.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa


0 nhận xét:

Đăng nhận xét