Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Xử công tylàm đường, dựng “tường” chặn nhà dân

TP - Trong quá trình thi công QL 1A đoạn qua Bình Thuận, đơn vị thi công cho xây rãnh dọc, mương thoát nước cao hơn 1m, chắn trước cổng nhiều hộ dân. Dù đã nhắc nhở, công ty này vẫn cố tình chằng thép, đổ bê tông. Câu chuyện lấy lại độ cao nền đường của Bộ GTVT phát sinh không ít vấn đề...

Xử công ty làm đường, dựng
Những giằng thép đổ bê tông chặn trước nhà dân (cao bằng nửa cổng nhà) đã bị đình chỉ kịp thời

Nhắc nhở vẫn "ngoan cố"

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông, kể lại: Từ cuối tháng tư, đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra dự án QL 1A đoạn Bình Thuận (dự án BOT) phát hiện một số đoạn của gói thầu tại đây chuẩn bị cho xây rãnh nước, cống hộp cao bất thường. Nếu hoàn thiện, những đoạn mương thoát nước này không khác nào những bức tường bê tông chắn trước cửa nhà dân 2 bên đường. Ngay tại hiện trường, đoàn công tác lập tức yêu cầu đơn vị tư vấn, nhà thầu điều chỉnh thiết kế.

Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra đầu tháng 5, tại hiện trường, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ và Cục trưởng Sanh phát hiện dãy cống hộp vẫn được thi công theo thiết kế cũ. Nhiều đoạn đã đổ bê tông, các đoạn còn lại đã đan lưới thép chờ sẵn. Khó chấp nhận sự "ngoan cố" của đơn vị tư vấn và nhà thầu (dù đây là dự án BOT), đoàn công tác lập tức yêu cầu phá bỏ cống đang thi công và điện báo về Bộ GTVT soạn ngay quyết định đuổi Cty Tư vấn Thiết kế Công trình Giao thông TECCO497 khỏi dự án. Kinh phí khắc phục do chủ đầu tư và tư vấn thiết kế phải chịu.

Trong quá trình mở rộng nâng cấp QL1A và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) thời gian qua xảy ra việc nâng cao cốt nền đường, rãnh dọc, mương nước 2 bên đường tại nhiều địa phương. "Việc nâng cốt nền là để đảm bảo tránh ngập lụt, tăng tốc độ lưu thông theo cấp đường. Nhưng để đảm bảo cuộc sống của dân đã ổn định 2 bên đường, ngành GTVT phải tính toán hạ cốt nền" - ông Sanh nói.

Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ra công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị liên quan tại QL1A và QL14 (đường Hồ Chí Minh) qua Tây Nguyên khẩn trương rà soát và điều chỉnh cao độ nền đường.

Chỉ vài ngày sau đó, Cục trưởng Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông và các đơn vị cử đoàn công tác rà soát chỉnh sửa thiết kế trên ngay trên công trường. Đến nay, việc rà soát, điều chỉnh đã cơ bản đảm bảo yêu cầu: Nền đường trong đô thị không được cao quá nền đường cũ tối đa 30 cm (trong đó có 20m chiều cao vỉa hè); nền đường ngoài đô thị không được cao quá 50 cm.

Nhà thầu làm đúng có mất tiền oan?

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, một số nhà thầu có ý kiến: Họ đã thi công đúng thiết kế được phê duyệt, Bộ GTVT chưa từng cảnh báo; nếu hạ nền, công ty phải bỏ tiền túi, sẽ tổn thất lớn. Trong cuộc họp gần đây về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng đã quyết theo hướng: Sẽ cho cào bóc vật liệu tại đoạn bị tôn cao và chuyển đến những điểm gần nhất. Chi phí để khắc phục cao độ nền đường chỉ là phí vận chuyển, không nhiều.

Tuy nhiên, những cách làm của Bộ GTVT vừa qua chỉ mới là tình thế. Về lâu dài, Bộ GTVT cần có giải pháp để đảm bảo không ảnh hưởng đến nhà dân, nhưng đường được nâng cấp đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Tại một số đoạn tuyến, đặc biệt là qua khu vực miền núi, để giảm độ dốc, tăng tốc độ phương tiện lưu thông; tư vấn thiết kế đã phải hạ cao độ dốc. Tuy nhiên, nhiều nhà dân tại khu vực dốc này lại rơi vào tình trạng "treo" trên dốc. Trong quá trình rà soát, Bộ GTVT đã điều chỉnh nâng lại cao độ để các hộ dân có đường thuận tiện vào nhà.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét