QĐND Online - Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom, mìn (ngày 4-4), gần 5.000 hiện vật về các chủng loại bom, mìn, đạn, các loại ngòi nổ bom, mìn, ngòi nổ rocket; tư liệu ảnh đã giới thiệu tại Bảo tàng Công binh (số 290, Lạc Long Quân, Hà Nội).
Tại gian trung tâm, các hiện vật được trưng bày theo 5 chủ đề: Thảm họa bom mìn trước và sau chiến tranh; hoạt động rà phá bom mìn của lực lượng bộ đội công binh; các chủng loại bom mìn, vật nổ đã xử lý thành công; giáo dục hiểm họa bom mìn và cách phòng tránh; hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Báo QĐND Online xin gửi tới bạn đọc một số hình ảnh hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng.
THU HÀ (thực hiện)
Sự khủng khiếp của bom mìn, các loại ngòi nổ được tái hiện qua những bức ảnh tư liệu. Bức ảnh "Em bé Napalm" gây ấn tượng mạnh đối với nhiều khách tham quan |
Siêu pháo đài bay B-52 được xếp bằng các loại bom: Cánh là những loại bom phá có trọng lượng từ 250 đến 3.000 cân Anh; thân là quả thủy lôi bát giác và quả bom phát quang lớn nhất từ trước đến nay được tìm thấy tại Việt Nam. |
Quả bom phát quang có trọng lượng 6 tấn, chứa 4 tấn thuốc nổ, chiều dài 3,1m; đường kính lớn nhất của thân bom là 1,9m. Loại bom được chế tạo nhằm phát quang cây cối cho trực thăng đổ bộ hoặc bố trí trận địa pháo binh. Với cơ chế hoạt động đặc biệt, quả bom được kích nổ ngay trên mặt đất (không tạo ra hố bom) và có thể san phẳng mọi thứ trên một diện tích lên tới 100.000m2. Năm 2004 bộ đội công binh đã phát hiện và xử lý thành công quả bom tại Gia Lai |
Quả thủy lôi bát giác trọng lượng 2 tấn chứa từ 180 - 240kg thuốc nổ C4, chiều dài cạnh 2,64m, chiều cao 80cm. Mục đích của Mỹ sử dụng là đánh phá cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa), một trong những huyết mạch của giao thông Việt Nam trong chiến tranh. Quả bom đã được xử lý thành công năm 1966 tại dòng sông Mã |
Sau chiến tranh, các loại bom bi, bom chùm vẫn phát huy sức mạnh "hủy diệt", gây hại tính mạng hàng trăm nghìn người dân |
Bom quả dứa chứa tới 450 viên bi, tầm sát thương 15 mét. Nạn nhân bom mìn nhiều nhất hiện nay là trẻ em bởi các loại trông rất bắt mắt, trẻ em không thể phân biệt được; hiện còn sót lại nhiều và nằm lẫn trong bùn, đất, hồ ao... |
Khí tài trinh sát điện tử hay còn được gọi là "cây nhiệt đới" dùng để thu và phát âm thanh chấn động. Đối với người đi bộ khoảng 20-30m là có thể thu được tiếng động, đối với xe cơ giới khoảng 300-450m. Khi thu được tín hiệu, loại cây này sẽ phát tín hiệu về trung tâm điều hành bay của không quân Mỹ, ngay lập tức máy bay sẽ tới ném bom ở vị trí mà cây phát tín hiệu |
Bản đồ bom mìn do Trung tâm dữ liệu bom mìn Mỹ cung cấp, thể hiện mật độ đánh phá, ném bom của không quân Mỹ trong 8 năm chiến tranh phá hoại (năm 1964-1972). Toàn bộ chấm màu đen là nơi có bom, đạn. |
Chỉ tính riêng lượng bom đạn mà quân đội Mỹ đã trút xuống Việt Nam đến nay vẫn còn sót lại hơn 800.000 tấn, khiến hơn 100.000 người đã chết và bị thương kể từ sau chiến tranh kết thúc. Cho đến lúc này, 60.000 nạn nhân còn sống và đã bị thương tật vĩnh viễn đang trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình, nhiều địa phương. |
Các loại đạn chiếu sáng được sơn màu trắng, không gây sát thương, dùng để chiếu sáng, giúp phát hiện mục tiêu trong đêm tối. Đạn sát thương thường sơn màu xanh ôliu và xám |
Mìn điện khi có dòng điện từ trường vô tuyến tác động vào sẽ gây nổ |
Các chuyên gia Việt Nam đã không quản hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt với tử thần để khoan, cắt rút thuốc nổ vô hiệu hóa quả bom, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét