Ngày 6/4, Tân Hoa xã đưa tin, một số quốc gia đã cho biết họ sẽ không ngay lập tức rút nhân viên ra khỏi các Đại sứ quán hoặc cơ quan ngoại giao tại CHDCND Triều Tiên mặc dù một thông báo kêu gọi sơ tán đã được Triều Tiên đưa ra.
Trước đó, ngày 5/4, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã thông báo cho các Đại sứ quán nước ngoài và đại diện các tổ chức quốc tế rằng, họ sẽ không thể đảm bảo sự an toàn của các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế trong trường hợp xung đột bùng phát trên bán đảo Triều Tiên.
Đại sứ quán Nga tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: rusembdprk.ru) |
"Nga đã từng lưu ý về đề nghị rút nhân viên khỏi Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng", Denis Samsonov, tùy viên báo chí của Đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng được Itar-Tass dẫn lời cho biết.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra và Đại sứ quán Nga sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, ông Samsonov cho biết.
Các nhà ngoại giao hiện đang "giám sát chặt chẽ" tình hình tại Bình Nhưỡng và trên toàn lãnh thổ CHDCND Triều Tiên cũng như các thông báo từ các nhà lãnh đạo nước này, ông Samsonov cho biết thêm.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow có ý định làm rõ các chi tiết trước khi đưa ra quyết định liên quan đến đề nghị của CHDCND Triều Tiên sơ tán cơ quan ngoại giao của Nga.
"Triều Tiên đã thông báo cho các Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng và hiện tại chúng tôi đang cố gắng để làm rõ tình hình", ông Lavrov nói với các phóng viên trong chuyến thăm Uzbekistan.
"Tôi xin nhắc lại một lần nữa bởi vì nhiều yếu tố liên quan ở đây, chúng tôi đang cố gắng để làm rõ tất cả những yếu tố này", ông Lavrov nói.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington sẽ có "biện pháp phòng ngừa thận trọng" trước những diễn biến ngày càng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi đã liên lạc với Thụy Điển - nước đại diện cho quyền lợi của chúng tôi ở CHDCND Triều Tiên, bởi nếu họ thay đổi tình trạng, chúng tôi sẽ phải thông báo cho công dân Mỹ ở CHDCND Triều Tiên", bà Nuland cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/4.
Bà Nuland cũng lưu ý rằng, Đại sứ quán Mỹ tại Seoul (Hàn Quốc) đưa ra một thông điệp hôm 4/4 rằng, hiện không có thông tin "cụ thể" về một "mối đe dọa sắp xảy ra" cho công dân Hoa Kỳ hoặc các cơ quan của Mỹ tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, Anh cũng cho biết không có kế hoạch ngay lập tức rút Đại sứ quán tại CHDCND Triều Tiên trong ngày một ngày hai. "Chúng tôi đang tham khảo ý kiến các đối tác quốc tế về những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Cho đến nay. vẫn không có quyết định nào được đưa ra và chúng tôi không có kế hoạch ngay lập tức rút Đại sứ quán của chúng tôi," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
Trong một phản ứng tương tự, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Philippi Lalliot nói, Pháp không có kế hoạch sơ tán công dân của mình từ Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi xem tình trạng này là nghiêm trọng và đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu của chúng tôi tại Triều Tiên cũng như các cơ quan của Liên Hợp Quốc," ông Philippi Lalliot nói.
Pháp tiếp tục đánh giá với sự thận trọng nhất "sự thay đổi tình hình ở bán đảo Triều Tiên cũng như các biện pháp để đảm bảo sự an toàn của công dân của mình," ông Philippi Lalliot nói thêm.
Brazil cũng quyết định tiếp tục duy trì việc mở cửa của Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng trong thời gian tới. "Chúng tôi rất quan tâm đến thông tin về tình hình ở CHDCND Triều Tiên. Chúng tôi đang liên lạc thường xuyên với Đại sứ Roberto Colin của chúng tôi ở Bình Nhưỡng", Ngoại trưởng Brazil Antonio Patriota cho biết.
Ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Đức cũng đã triệu tập Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Đức để thông báo mối quan tâm của Berlin trước những căng thẳng đang gia tăng ở bán đảo Triều Tiên.
Berlin đã tham khảo ý kiến với các đối tác quốc tế và châu Âu để tìm kiếm một phản ứng "dứt khoát và thống nhất", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Andreas Peschke cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ.
Tương tự, ngày 5/4, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Martin Nesirky cho biết, Liên Hợp Quốc hiện không có kế hoạch rút nhân viên của mình ra khỏi CHDCND Triều Tiên và cơ quan này đang nghiên cứu những cảnh báo từ Bình Nhưỡng trong bối cảnh gia tăng căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
"Các nhân viên Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên vẫn tiến hành các công tác nhân đạo và phát triển bình thường", ông Nesirky cho biết. Hiện Liên Hợp Quốc có 36 nhân viên quốc tế và 21 người tại địa phương đang làm việc cho 7 cơ quan của Liên Hợp Quốc và các chương trình ở CHDCND Triều Tiên./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét