(VOV) - Quỹ hưu trí bổ sung sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động
Gần đây một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin sẽ triển khai Quỹ ưu trí bổ sung từ ngày 1/6 tới. Nhưng theo ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì thông tin này không chính xác. Hiện, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn đang nghiên cứu, chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo đề án Quỹ hưu trí bổ sung, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 11.
Theo dự thảo đề án, Quỹ hưu trí bổ sung sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, các doanh nghiệp hoặc người lao động tự nguyện đóng dưới hình thức mở các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính; thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng một khoản lương hàng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được nhà nước chi trả. Mức đóng góp có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hàng tháng của người lao động và quy định mức đóng tối thiểu cũng như mức trần đóng tối đa.
Vụ Bảo hiểm xã hội tính toán, tham gia Quỹ hưu trí bổ sung sau 15 năm đóng góp, ngoài lương hưu cơ bản, số tiền người lao động nhận được hàng tháng từ nguồn hưu trí bổ sung bình quân là 5,56 triệu đồng/tháng trong 15 năm.
Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiển xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nói: "Quỹ hưu trí bổ sung không mới lạ với các nước nhưng mới lạ ở Việt Nam. Nên chúng ta phải tăng cường truyền thông để người dân và chủ doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa của quỹ này. Hiện nhiều nước đã triển khai rồi nhưng mỗi nước có đặc thù kinh tế khác nhau, nên làm sao phù hơp với tình hình kinh tế Việt Nam. Đây là điều mà các chuyên gia trong tổ đề án nghiên cứu đang tranh luận và phản biện, đưa ra các phương án khác nhau trước khi trình Chính phủ".
Dự kiến, lộ trình triển khai Quỹ hưu trí bổ sung thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2012-2015) sẽ hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số doanh nghiệp. Giai đoạn 2 (2015-2020) hoàn thiện khung pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung. Giai đoạn 3 (sau 2020) sẽ nghiên cứu chuyển đổi mô hình Quỹ Hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang hình thức bắt buộc./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét