Đã từ lâu, Trung Quốc tỏ ý muốn mua máy bay Su-35 của Nga. Tại triển lãm hàng không Airshow China 2008, đích thân Tư lệnh Không quân Trung Quốc là Siu Tsilian đã tới đây để "ngắm" những mẫu Su-35. Đến tháng 2/2012, phía Nga chính thức thông báo Trung Quốc có ý định mua Su-35.
Tuy nhiên, việc đàm phán giữa Trung Quốc và Nga đã gặp phải rất nhiều chông gai khi Trung Quốc chỉ muốn mua 4 chiếc, trong khi Nga không chấp nhận. Những thông tin chính thống và bên lề ở Nga đều bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc sẽ sao chép loại máy bay này như đã từng làm với các loại vũ khí Nga. Điển hình nhất là các máy bay của Trung Quốc như J-7, H-6, Y-7 và Y-8 đều dựa trên các mẫu MiG-21, Tu-16, An-2, An-4 và An-12 tương đương của Nga và Ucraina.
Máy bay Su-35 của Nga |
Vụ việc điển hình gần đây nhất là đối với máy bay Su-27SK của Nga. Sau khi có được giấy phép sản xuất 200 chiếc máy bay loại này của Nga, Trung Quốc đã tiến hành sao chép công nghệ. Sau khi sản xuất được 105 chiếc Su-27SK theo hợp đồng, Trung Quốc dừng không sản xuất tiếp 95 chiếc còn lại. Sau đó, họ đã cho ra lò loại máy bay J-11, thực chất là sao chép Su-27SK, để xuất khẩu. Các mẫu máy bay J-11 sau đó đã quay lại cạnh tranh trực tiếp với máy bay Nga.
Các tin đồn trước đây cho rằng Trung Quốc và Nga đã đạt thỏa thuận về việc mua bán 48 chiếc Su-35 với tổng giá trị hợp đồng lên tới 4 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó số lượng được "cưa đôi" còn 24 chiếc. Tháng 11/2012, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Trung Quốc, hai bên cuối cùng đã "chốt" con số 24 chiếc với tổng giá trị trên 1,5 tỷ USD. Việc giao hàng sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2015 giao hàng. Tuy nhiên, phải đến chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình lần này, hai bên mới tiến hành ký kết hợp đồng.
Máy bay J-15 của Trung Quốc được cho là sao chép từ mẫu Su-33 của Nga thông qua việc mua một mẫu tương tự từ Ucraina |
Về hợp đồng này, hiện có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Không ít nhà phân tích cho rằng đây là món quà chúc mừng mà Tổng thống Nga Putin dành cho ông Tập Cận Bình, thể hiện sự thành ý của Nga trong việc sâu sắc hóa mối quan hệ "chuẩn đồng minh" (gần giống đồng minh) Trung - Nga. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 là một "ân huệ" đối với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nga. Ông Tập Cận Bình đã mang cho họ "bếp lửa ấm trong trời giá rét".
Nhưng có lẽ, nổi bật nhất vẫn là ý kiến cho rằng Trung Quốc mua 24 chiếc Su-35 là có sự tính toán. Sau khi đòi mua 4 chiếc không được, Trung Quốc "cắn răng" bỏ tiền ra mua 24 chiếc để có được công nghệ radar và động cơ của Nga. Đây là hai thứ mà Trung Quốc đã thèm muốn từ lâu.
Máy bay J-20 của Trung Quốc hiện vẫn chỉ là "hàng trưng bày" |
Theo các thông tin, Su-35 được trang bị động cơ 117S có kỹ thuật lực đẩy véctơ, có năng lực tuần tra siêu âm. Nếu "học mót" được công nghệ chế tạo loại động cơ này, máy bay J-20 của Trung Quốc mới thực sự trở thành loại máy bay thế hệ thứ tư. Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc có năng lực sản xuất radar, song tính năng vẫn còn thua kém của Nga trong khi giá thành lại cao.
Ngoài ra, nhu cầu mua Su-35 của Trung Quốc là có thực xét trên tình hình thực tế hiện nay. Trung Quốc mua Su-35 nhằm lấp chỗ trống trong khi chờ đợi J-20 cất cánh. Chính các chuyên gia Trung Quốc cũng phải thừa nhận J-20 phải tới năm 2020 mới có thể đủ năng lực tác chiến.
Trong khi đó, Mỹ hiện đã có "chim ăn thịt" F-22 và sắp đưa vào sử dụng F-35. Điều này đặt ra thách thức an ninh nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Những chiếc J-10 hay J-11 được đánh giá không phải là đối thủ của các máy bay hiện đại Mỹ.
Máy bay tàng hình F-22 của Mỹ |
Không những vậy, các nước đồng minh của Mỹ và nhiều nước trong khu vực thời gian qua không ngừng tăng cường mua sắm các loại máy bay chiến đấu. Tháng 5/2012, Nhật Bản đã phê chuẩn mua 4 máy bay F-35, kế hoạch sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2016, sớm hơn 4 năm so với thời điểm dự kiến J-20 Trung Quốc đủ năng lực tác chiến.
Ngoài ra mưu đồ về công nghệ, Trung Quốc cũng có sự tính toán chiến lược trong hợp đồng mua Su-35 với Nga. Chiến lược trở lại châu Á của Mỹ cũng đang tạo sức ép không nhỏ đối với Trung Quốc. Trong bối cảnh như vậy, sự hợp tác quân sự Nga-Trung sẽ là một tín hiệu mà Trung Quốc muốn phát đi về một "liên minh" Nga-Trung. Thực tế, Trung Quốc cần 24 chiếc Su-35 nhưng chỉ từng đó là không đủ. Một số chuyên gia cũng nhận định Trung Quốc không thể tìm kiếm công nghệ ở động cơ 117S của Nga bởi loại động cơ này vẫn chưa thoát khỏi trình độ của động cơ thế hệ ba. Theo tiến độ hợp đồng và khả năng "sao chép" của Trung Quốc thì phải mất tối thiểu 5 năm nữa, Trung Quốc mới có được loại động cơ tương tự 117S của Nga. Tiến độ này là quá chậm nếu Trung Quốc muốn đẩy nhanh tốc độ triển khai J-20 trên thực tế.
Đông Triều
0 nhận xét:
Đăng nhận xét