Về bài báo "Hiện tượng N.H.O và nhóm bí ẩn"
Về bài báo "Hiện tượng N.H.O và nhóm bí ẩn"
Thư đề nghị của HMI đưa ra bốn luận điểm kèm theo bốn câu hỏi. Dưới đây là phần trích nguyên văn cùng với quan điểm của Vland về những vấn đề mà HMI đưa ra.
Luận điểm thứ nhất: 1. "Hiện tượng N.H.O và nhóm bí ẩn" (trích bài báo số 2)
+ Chúng tôi, HMI và N.H.O là hai công ty được thành lập hợp pháp theo quy định của luật pháp Việt Nam, được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp mã số công ty: 0312734863 (đăng ký lần đầu ngày 14 tháng 04 năm 2014. Đăng ký thay đổi lần 1: 09 tháng 06 năm 2014).
+ Tương tự như thế, N.H.O cũng được hoạt động theo luật Việt Nam và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp mã số công ty: 0311956912 và đã thay đổi giấy phép đến lần thứ 5 vì tăng vốn vào ngày 18 tháng 08 năm 2014.
Vậy thì việc bài báo đưa thông tin chúng tôi là "nhóm bí ẩn" là có ý gì?"
Quan điểm Vland: Tại sao Vland gọi đây là "nhóm bí ẩn"? Điều này đã quá rõ ràng, vì ngay trong bài "Truyền thông nhầm lẫn về N.H.O và thương hiệu First Home?", có nhiều câu hỏi mà N.H.O không trả lời đầy đủ hoặc trả lời không nhất quán.
Ngoài ra, bài "Hiện tượng N.H.O và nhóm bí ẩn" cũng có thêm những bí ẩn mới. Có thể nêu một số ví dụ trong bài này như: "Thật trùng hợp khi có Công ty Cổ phần đầu tư TAG làm việc với Bộ Xây dựng được giới thiệu là Singapore và sau đó lại có công ty cùng tên 100% vốn Việt Nam. Vậy đâu là sự thật?" và "Cũng là con số 100.000 nhà ở xã hội, nhưng không phải ông Tham Keng Chuen mà là ông Lawrence. Vậy sự thật là có mấy người muốn xây 100.000 nhà ở cao tầng?"…
Luận điểm thứ hai: 2. + "Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà quốc gia (N.H.O) 100% vốn Việt Nam thì đưa những cái tên nước ngoài làm chủ tịch và thành viên HĐQT để làm gì?" (trích bài báo số 2)
+ Ngoài Lawrence Tham, Kim Kyoo Chul và Cheol Jeong là những cái tên thường lên mặt báo khi có thông tin liên quan đến N.H.O. Theo trang Tin Nhanh Địa Ốc, Cheol Jeong là Giám đốc dự án; Lawrence Tham là chủ tịch HĐQT; Kim Kyoo Chul là thành viên HĐQT N.H.O. Thật lạ, N.H.O là công ty 100% vốn Việt Nam nhưng lại đưa 2 cái tên nước ngoài vào các vị trí chủ tịch và thành viên HĐQT. (trích bài báo số 2)
+ Chúng tôi tìm kiếm tất cả những thông tin, điều luật có liên quan thì không thấy điều nào của Luật Dân sự Việt Nam cấm người nước ngoài có tên là thành viên trong HĐQT của Công ty Việt Nam. Chẳng hạn, nhà băng VietinBank, VietcomBank, REE hay HAG đều có cổ đông nước ngoài trong HĐQT. Vậy, việc bài báo đưa thông tin này là nhằm mục đích gì?"
Quan điểm Vland: Ở đây có 2 điều cần làm rõ:
Thứ nhất, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 110, Luật Doanh nghiệp năm 2005 như sau:
"Điều 110. Tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị
1. Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý công ty theo quy định của Luật này;
b) Là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phiếu phổ thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.
2. Đối với công ty con là công ty mà Nhà nước sở hữu số cổ phiếu trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ."
Thứ hai, theo quy định trên, hoàn toàn không cấm người nước ngoài có tên trong HĐQT. Tuy nhiên, với những công ty có cổ đông nước ngoài thì việc họ có tên trong HĐQT là điều dễ hiểu nếu họ "sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phiếu phổ thông". Còn đối với công ty 100% vốn Việt Nam như trường hợp của N.H.O mà thành viên và chủ tịch HĐQT là những cái tên nước ngoài là điều hiếm thấy.
Luận điểm thứ ba: "3. "Những cái tên đi cùng N.H.O vẫn còn không ít điều bí ẩn. Ngày 29/6/2014 Tin Nhanh Địa Ốc đưa tin, "Công ty Cổ phần Truyền thông địa ốc Sài Gòn (Housing Media International, gọi tắt HMI Group) chính thức ra mắt tổ hợp truyền thông tích hợp, đa phương tiện về địa ốc đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, HMI Group giới thiệu các ấn phẩm "ba trong một", gồm tinnhanhdiaoc.vn, chương trình Thế Giới Nhà Đất (phát trên sóng VTV9 sáng thứ Bảy hàng tuần) và ấn phẩm Nhà & Đất." Tiếp đó, "Tại lễ ra mắt, HMI Group đã ký kết hợp đồng tư vấn chiến lược truyền thông toàn diện cho Công ty Cổ phần Phát triển Nhà quốc gia (N.H.O)." (Trích bài báo số 2)
+ Chúng tôi, HMI hoạt động bình thường, có trụ sở, giấy phép chức năng hoạt động truyền thông. Chúng tôi tuân thủ tất cả nghĩa vụ hợp pháp với cơ quan nhà nước. Việc chúng tôi ký hợp đồng với một đối tác cũng là hoạt động bình thường của hoạt động kinh doanh. Chúng tôi hợp tác khai thác quảng cáo với ấn Nhà & Đất và VTV9 cũng công khai minh bạch. Vậy hà cớ gì phóng viên lại viết theo kiểu nghi vấn như vậy?"
Quan điểm Vland: Phần trích bài báo số 2 ở trên đây chỉ là thông tin mở đầu cho những bí ẩn tiếp theo trong đoạn nói về "Cổ phần Truyền thông địa ốc Sài Gòn và Công ty Cổ phần Phát triển Nhà quốc gia".
Ngoài ra, trong bài "Hiện tượng N.H.O và nhóm bí ẩn", Vland đã nêu, "Theo thông tin lưu tại trang dulieucongty.com, Công ty Cổ phần Truyền thông môi giới địa ốc Sài Gòn đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn, môi giới, đấu giá địa ốc, đấu giá quyền sử dụng đất." Việc HMI khẳng định, "Chúng tôi, HMI hoạt động bình thường, có trụ sở, giấy phép chức năng hoạt động truyền thông." là điều Vland chưa được kiểm chứng.
Luận điểm thứ tư: "4. "Khi tìm tên Công ty Cổ phần Truyền thông địa ốc Sài Gòn và Công ty Cổ phần Phát triển Nhà quốc gia thì đều không tìm thấy trên Cổng thông tin đăng ký công ty quốc gia. Chỉ có tên gần giống, Công ty TNHH Phát triển Nhà quốc gia – Khang Việt và Công ty Cổ phần Truyền thông môi giới địa ốc Sài Gòn." (trích nguyên văn bài số 2)
Chúng tôi không hiểu, phóng viên nghiệp vụ ở mức nào và có động cơ gì khi viết những dòng như vậy?"
Quan điểm Vland: Thư đề nghị của HMI đã xác nhận tên công ty chính xác là Công ty Cổ phần Truyền thông Môi giới Bất động sản Sài Gòn. Nhưng tên công ty trên Tin Nhanh Địa Ốc lại là Công ty Cổ phần Truyền thông địa ốc Sài Gòn, mất chữ "môi giới". Công ty Cổ phần Phát triển Nhà quốc gia cũng không tìm thấy. Việc đưa sai tên là do lỗi đánh máy hay có mục đích khác? Việc Vland đi tìm sự thật để chuyển đến bạn đọc là hết sức cần thiết để tránh nhầm lẫn thông tin.
Thư đề nghị của HMI, do ông Giám đốc điều hành Lê Văn Tân ký tên, nghi ngờ về nghiệp vụ của của phóng viên nhưng lại không chỉ ra được bất kỳ sai phạm nào trong hai bài báo đã được Vland xuất bản. Mặt khác, N.H.O cũng không có câu trả lời, giải thích cho những nghi vấn mà 2 bài báo đặt ra. Vậy nên, không có lý do gì để yêu cầu hay đề nghị gỡ bài báo đã xuất bản.
Vland hoan nghênh động thái tích cực từ HMI trong việc cung cấp thông tin giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều về các bên liên quan. Tuy nhiên, qua Thư đề nghị của HMI, nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Vland tiếp tục đưa thông tin đến bạn đọc khi có phản hồi từ HMI và N.H.O.
Quốc Tuấn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét