Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa công bố danh sách 113 tác phẩm mỹ thuật được lựa chọn để trưng bày trong Festival Mỹ thuật trẻ 2014, sẽ diễn ra vào tháng 8 này. So với những lần trước, số lượng tác phẩm này được cho là nhiều hơn, nhưng để đánh giá về chất lượng thì ban tổ chức lại chưa thực sự hài lòng.
Các họa sĩ trẻ cần nâng cao hơn nữa sức sáng tạo và chất lượng tác phẩm.
Các tác phẩm tham gia Festival Mỹ thuật trẻ 2014 tập trung nhiều vào thể loại tranh sơn mài, sơn dầu, ngoài ra còn có các thể loại như: video art, khắc trên kim loại, trổ giấy, acrylic, sắp đặt, tranh lụa... Đánh giá về chất lượng, Phó trưởng phòng Mỹ thuật, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) Hoàng Minh Đức cho biết: "Nhìn chung các tác phẩm được tuyển chọn năm nay chưa có bước đột phá lớn về chất lượng nghệ thuật. Festival Mỹ thuật trẻ năm nay đã thu hút hơn 700 tác phẩm dự thi ở các thể loại khác nhau, tuy nhiên số tác phẩm được chọn để trưng bày chỉ chiếm 14%, chưa kể việc trong số tác phẩm được chọn có rất ít tác phẩm thực sự thuyết phục được ban tổ chức".
Những con số của Festival lần này cho thấy, mỹ thuật trẻ đang "thắng lớn" về số lượng, nhưng chất lượng thì còn nhiều điều đáng phải bàn. Theo các nhà quản lý mỹ thuật, chưa bao giờ đội ngũ sáng tác mỹ thuật lại đông đảo và công tác đào tạo mỹ thuật lại nở rộ như hiện nay. Trong đó, đội ngũ các họa sĩ trẻ từ 18 - 35 tuổi ở Việt Nam hiện nay chiếm phần lớn. Tuy nhiên, điều này lại phản ánh sự đối nghịch ngày càng rõ nét giữa lượng và chất, khi số lượng họa sĩ ngày càng đông đảo, khả năng sáng tác cũng nhiều, nhưng chất lượng tác phẩm lại không có nhiều nổi bật. Thực tế, đôi khi người mua bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua một bức tranh, nhưng chưa chắc đã được sở hữu những tác phẩm nghệ thuật thực sự giá trị.
Nguyên nhân chính là do sức sáng tạo, khả năng tìm tòi, thử sức của đội ngũ họa sĩ trẻ hiện nay vẫn còn "ì trệ". Các tác phẩm dự thi Festival Mỹ thuật trẻ là một minh chứng. Theo ông Hoàng Minh Đức, qua các tác phẩm dự thi cho thấy, các tác giả trẻ có vẻ ít nhiệt tình hơn với các loại hình nghệ thuật đương đại. Các tác giả trẻ vẫn còn chú trọng nhiều vào các thể loại tạo hình như hội họa, đồ họa, điêu khắc, phù điêu, số lượng các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật sắp đặt, video art vẫn còn quá ít, thậm chí không có tác phẩm nào nổi bật, gây ấn tượng.
"Thời gian gần đây rất ít tên tuổi tác giả, đặc biệt là các họa sĩ trẻ thể hiện được sự nổi bật trong sáng tạo nghệ thuật và thể hiện được cá tính riêng của mình. Thậm chí sự sáng tác ồ ạt theo trào lưu đôi khi còn thể hiện sự dễ dãi với chính người làm nghệ thuật và với công chúng. Trong khi đó, số lượng các triển lãm ngày càng nhiều nhưng việc nó tác động đến đời sống nghệ thuật lại không nhiều. Số lượng họa sĩ được đào tạo ngày càng đông nhưng kiến thức chuyên ngành đôi khi lại bị hổng, nhiều người mải lao theo những sáng tác trào lưu bên ngoài mà đánh mất giá trị truyền thống", một nhà phê bình cho biết.
Còn về phía mình, các họa sĩ trẻ cho biết, họ cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình sáng tác, phần nào hạn chế khả năng sáng tạo của họ.
Họa sĩ trẻ Lê Quốc Sĩ chia sẻ: "Theo tôi khó khăn lớn nhất với người họa sĩ là đôi khi đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, trí tuệ để sáng tạo ra tác phẩm, nhưng lại không được đón nhận hoặc người đón nhận lại không hiểu hết được giá trị, vẻ đẹp của sự sáng tạo ấy. Nhiều tác phẩm thể hiện rõ sự sáng tạo của người họa sĩ thì lại ít được để ý đến, mà mọi người lại thích chạy theo và đón nhận nhiều phong cách, trào lưu đang thịnh hành ở các nước khác".
Họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Tuấn thì mong muốn: "Với những họa sĩ làm tự do như chúng tôi, thực sự chưa có đất để thể hiện mình, chưa có nhiều cơ hội để được biết đến. Hầu hết các sinh viên được đào tạo chuyên ngành mỹ thuật sau khi ra trường thường làm tự do, ai thật sự "mạnh" thì mới khẳng định được tên tuổi của mình, nhiều họa sĩ rất có tài nhưng do "ít đất" mà cũng không thể bật lên được. Theo tôi cần có nhiều hơn nữa các cuộc triển lãm, sáng tác có chất lượng và mở rộng, cũng như phổ biến rộng rãi các cuộc thi để những người làm tự do cũng có thể biết và tham gia vì thực tế tôi thấy các họa sĩ sinh sống ở các thành phố lớn thường có nhiều cơ hội hơn là ở các tỉnh lẻ. Các cuộc thi, sưu tầm sáng tác cũng cần phải tạo được sự hấp dẫn hơn nữa để thu hút các nghệ sĩ tham gia, như thế mới khuyến khích được sức sáng tạo trẻ."
Bài và ảnh: Tạ Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét