Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Bằng ngoại… hạ giá!

Trước thực trạng thất nghiệp tràn lan, nhiều du học sinh đã xếp mình ngang bằng với lao động trong nước để tìm cơ hội việc làm

Sàn mua bán do Trung tâm Giới thiệu Việc làm TP HCM tổ chức vừa mở phiên, chị Nguyễn Văn Nhật Linh (28 tuổi, ngụ quận 10, TP HCM) đã có mặt để xem thông tin tuyển dụng. Sau khi tìm được vị trí ưng ý, chị lập tức điền thông tin vào hồ sơ xin việc. Thấy mục trình độ trên bìa hồ sơ ghi "cao đẳng quản trị kinh doanh tại Úc", chúng tôi khá bất ngờ vì rất hiếm khi có người du học ở nước ngoài về lại đến tìm việc làm ở sàn mua bán như vậy.

Biết người, biết ta

Chị Linh cho hay chị được gia đình tạo điều kiện sang Úc du học 4 năm. Về nước giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn, việc làm khan hiếm nên chị chỉ dám ghi vào hồ sơ mức lương trung bình cho vị trí ứng tuyển. "Tôi đã gửi hồ sơ trên nhiều mạng tuyển dụng trực tuyến, gửi trực tiếp đến doanh nghiệp (DN). Trong lúc chờ hồi âm, tôi tranh thủ đến sàn mua bán tìm thêm cơ hội" - chị bộc bạch.

Bằng ngoại… hạ giá! - chot6-6347c.jpg

Ứng viên nghe chia sẻ về chế độ, chính sách dành cho lao động có bằng quốc tế tại một ngày hội tuyển dụng được tổ chức ở TP HCM

Vừa trở về từ Malaysia, V.T.T lập tức xin vào học việc không lương tại một tạp chí thời trang. Học ngành truyền thông, lượng sức mình khó đánh bại các ứng viên được đào tạo trong nước nên T. chọn cách này để có thêm kinh nghiệm. T. lo lắng: "Ra nước ngoài học là một lợi thế nhưng chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Về nước, tôi không biết các DN cần gì, điều kiện làm việc thế nào… Thấy nhiều du học sinh đang thất nghiệp, tôi cũng run". T. kể thêm hiện tạp chí thời trang này tiếp nhận khá nhiều du học sinh tự nguyện vào làm việc không lương. Chọn cách thức này, nhiều bạn trẻ mong muốn học hỏi, tìm hiểu thêm môi trường làm việc trong nước trước khi chính thức hòa nhập thị trường lao động. Trong số này cũng có một số bạn do kinh tế khá giả nên chỉ muốn làm công việc yêu thích mà không để ý đến lương, thưởng.

"Hạ giá" là tất yếu

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, trước tình trạng thất nghiệp tràn lan như hiện nay, việc lao động trẻ "hạ giá" để có việc làm là tất yếu. Trong đó lực lượng lao động được đào tạo từ nước ngoài về cùng chung cảnh ngộ. Ông Tuấn cho biết: "Trao đổi tại nhiều chương trình tư vấn, hướng nghiệp, tôi được biết tình trạng ứng viên ỷ có bằng ngoại nên đưa ra nhiều yêu sách khi tìm việc đã không còn. Không trụ được ở nước ngoài, họ buộc phải xếp mình ngang bằng với lao động trong nước để tìm kiếm cơ hội việc làm".

Công ty TNHH Phan Nam (quận 11, TP HCM) hiện có 3 lao động được đào tạo ở nước ngoài về học việc với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp tuyển được nhân viên có bằng đại học ở nước ngoài. Bà Phan Thị Kiều Diễm, giám đốc doanh nghiệp, kể: "Mọi năm, ứng viên có bằng quốc tế thường đưa ra mức lương khởi điểm cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Vì vậy, chúng tôi buộc phải đánh rớt vì chưa đủ điều kiện tuyển dụng, giữ chân nhóm lao động này". Nhiều nhà tuyển dụng cũng nhận định hiện các bạn trẻ sau khi về nước đã thay đổi nhận thức khi đi tìm việc. Họ bắt buộc phải thực tế hơn để cạnh tranh với lực lượng lao động được đào tạo tại chỗ vốn có ưu thế về kinh nghiệm, thích ứng nhanh với hoàn cảnh.

Nhiều lợi thế

Từng là sinh viên Đại học Harvard (Mỹ), ông Cao Thành Lâm, trưởng phòng nhân sự một DN kinh doanh linh kiện điện tử ở TP HCM, chia sẻ: "Nếu so sánh, ngoài ngoại ngữ, kiến thức bài bản, du học sinh còn có nhiều lợi thế trong thị trường lao động. Hầu hết ứng viên được đào tạo ở nước ngoài đều tự tin hơn ứng viên trong nước. Chưa kể, họ có lối suy nghĩ độc lập, góc nhìn mới và nhiều cách làm táo bạo. Vì vậy, nếu bỏ qua các yêu sách, chúng tôi vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào đối tượng này".


0 nhận xét:

Đăng nhận xét