Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Công ty tiền thân của Audi từng hợp tác với phát-xít

Kết quả nghiên cứu mới đây do chính thực hiện và được đăng tải bởi báo giới Đức cho thấy Auto Union sử dụng hơn 3.700 tù nhân trong các trại tập trung của Đức Quốc xã để làm việc trong điều kiện vô nhân đạo.

Công ty tiền thân của Audi từng hợp tác với phát-xít - 650x366xaudi_anh_dai_dien.jpg,q1401162620.pagespeed.ic.xMicNjHdaJ.jpg
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên những tài liệu lưu trữ của Audi và được biên soạn bởi các sử gia Martin Kukowski và Rudolf Boch đã cho thấy ban quản lý của Auto Union có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Đức Quốc xã, đồng thời cho rằng nhà sản xuất xe hơi này phải chịu "trách nhiệm đạo đức" cho cái chết của hàng nghìn nô lệ.
Cụ thể, các nhà sử gia đã chỉ ra rằng đơn vị SS của Đức Quốc xã đã xây dựng 7 trại lao động tập trung với hơn 3.700 tù nhân bị buộc phải làm việc cho Auto Union. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng ban lãnh đạo công ty "chịu trách nhiệm tinh thần" về điều kiện làm việc vô nhân đạo của Auto Union tại nhà máy gần trại tập trung Flossenbürg ở miền nam bang Bayern. Báo cáo lưu ý, có 18.000 nhân công lao động nô lệ ở trại này, và 4.500 đã thiệt mạng. Ngoài ra, có khoảng 16.500 lao động cưỡng bức ở các thành phố Saxon là Zwickau và Chemnitz cũng làm việc cho Auto Union. Theo báo cáo, một phần tư số tù nhân là người Do Thái.
Báo cáo của Audi được đưa ra sau nghiên cứu tương tự của các hãng sản xuất ôtô Đức bao gồm Volkswagen, công ty mẹ của Audi, Daimler và BMW về quá khứ đầy tai tiếng của họ thời kỳ Đức Quốc xã. Theo tờ Time, với kết quả nghiên cứu gây sốc này, nhiều khả năng, Audi cũng sẽ theo chân Volkswagen tính chuyện bồi thường cho các nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi công ty tiền nhiệm của hãng.
Richard Bruhn, người đứng đầu Auto Union từ năm 1932 đến 1945, là thành viên đảng Quốc xã và bị quân Anh giam giữ sau khi kết thúc chiến tranh. Sau khi được thả, ông trở lại vị trí cũ và tiến hành các cải cách với công ty, theo chính sách của Tây Đức. Năm 1953, ông được trao tặng Huân chương chữ thập của Tây Đức do đã làm hồi sinh hãng xe, với sự trợ giúp từ Quỹ Marshall của Mỹ. Ông chết năm 1964.
Còn Auto Union, sau khi sáp nhập với NSU, đã đổi tên thành Audi vào năm 1985.
"Tôi rất sốc trước quy mô tham gia vào hệ thống cưỡng bức lao động và nô lệ của các cựu lãnh đạo Auto Union", Peter Mosch, Chủ tịch nghiệp đoàn công nhân Audi, nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Peter Mosch cũng cho biết thêm Audi đang xem xét thay đổi hồ sơ trực tuyến của các cựu lãnh đạo Auto Union, trong đó có việc loại bỏ tên của Tiến sĩ Richard Bruhn –"người cha của Audi Union" – ra khỏi một số mục trong lịch sử công ty.
Audi hiện là một trong bộ 3 xe sang hàng đầu thế giới, cùng BMW và Mercedes- Benz. Hãng có tiền thân từ Auto Union thành lập năm 1932, dựa trên sự hợp nhất của 4 công ty Audi, Horch, Wanderer và DKW. Đó cũng chính là ý nghĩa logo có 4 vòng tròn lồng vào nhau của Audi ngày nay. Năm 1966, Audi bán hết cổ phần cho Volkswagen và chính thức trở thành nhãn hiệu xe sang đầu tiên của tập đoàn này.
Sự dính líu của Audi với Đức quốc xã cho thấy một đế chế được lập nên khó mà tránh khỏi những trang sử đen tối, thậm chí là đẫm máu. Phải rất can đảm mới dám nhìn thẳng vào quá khứ, không né tránh sự thật. Và cũng chỉ khi vượt qua chính mình, một cá nhân, một tập đoàn hay một quốc gia, mới có cơ hội để tiến về phía trước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét