Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Ôsin thời nay - Những chuyện bi hài - Bài 1: Khi Ôsin...trở cờ

PN - Công việc bận rộn, cha mẹ ốm đau, con cái mè nheo... là những nỗi khổ không tên của nhiều doanh nhân, công chức... Để lo tròn việc công, nhiều gia chủ bấm bụng tìm "điểm tựa" ở người giúp việc, nhưng có tiền chưa chắc đã có duyên mà "tựa" vững...

Để có người giúp việc tin cậy, nên tìm đến các đơn vị uy tín thuộc hội phụ nữ, cơ quan quản lý lao động... - Ảnh minh họa : Phùng Huy

SAO... ĐỔI NGÔI

Chăm cho con gái sinh cháu sáu tháng trời ngon lành thì bà Ngọc Yến (60 tuổi, ngụ Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM) bị chứng viêm khớp hành hạ, phải nhập viện. Để yên tâm đi làm, con gái bà Yến phải thuê người giúp việc chăm mẹ và trông con hộ. Bà Yến xuất viện, những tưởng có người phụ giúp, mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn, nhưng... Bà kể: "Ngay buổi chiều tôi xuất viện về nhà, đã thấy con gái loay hoay dưới bếp, còn cô L., người giúp việc thì nằm võng ôm em bé ngủ".

Lúc bé thức, L. cũng ẵm trên tay. Bà Yến bảo L. đặt bé xuống là bé khóc ré lên. Bà nói: "Nó cứ ôm em bé suốt, sai tôi pha sữa, súc bình, khuấy bột. Sáng tôi đi chợ về làm sạch thực phẩm, ướp sẵn rồi... tự nấu luôn. Bé quen hơi, cứ bám vào nó, đâu có chịu cho tôi bồng. Đến bữa nó còn "nhờ" tôi bới tô cơm cho nó vừa chơi với em bé, vừa múc ăn. Tự nhiên, tôi thành người phục vụ".

Dù bực bội với thái độ của L. nhưng bà Yến "cắn răng" không dám nói vì thấy cháu ngoại "mến" L. quá. Cho đến khi chị hàng xóm "méc" lại, L. ra hàng bún đầu ngõ ăn sáng đã nói: "Vô làm là tui tập cho con nhỏ đeo tui. Tui giữ em mà, nên chỉ giữ em thôi. Nó đeo vầy là tui khỏi làm gì hết!". Nghe mẹ kể, con gái bà Yến nhớ những vết bầm bất thường trên người con mình. Trước đây, chị hỏi thì L. luôn nói: "Không biết. Toàn bế em trên tay, em không bị té va vô đâu cả". Hóa ra mỗi lần bà Yến kêu đặt bé nằm xuống, thì L. lại bấm vào người cho bé... khóc ré lên. Xót con, tức người giúp việc, nhưng đến nay con gái bà Yến vẫn chưa tìm được người thay.

Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng chị Huỳnh Hương ở Q.4 mở hàng bún thịt nướng. Năm trước, chồng chị Hương mất đột ngột, chị phải thuê người giúp việc nhưng người thì làm dối; rửa rau, rửa tô không sạch; người thì quạu quọ, làm mất lòng khách; người thì tham lam... Phải thay đến người thứ năm, chị mới gặp được Ng., một phụ nữ độc thân xấp xỉ 40 tuổi, lanh lẹ, kỹ lưỡng.

Nhưng Ng. chỉ tốt được vài tháng. Bắt đầu tháng thứ tư, khách kêu bưng bún qua nhà, Ng. nói: "Nhà đó có chó, tui sợ lắm" nhất định không đi. Không thể để khách chờ, chị đành bưng đi. Chị giao chị Ng. nướng thịt, thịt cứ cháy khét, chị đành phải ngồi nướng. Ai tới cũng hỏi: "Sao ngược đời vậy? Bà chủ đứng nướng thịt, bưng bê; người giúp việc thì ngồi ở quầy?". Chị cười như mếu: "Để nó nướng thịt cứ cháy khét, mất khách hết sao?". Ng. có lần nói với hàng xóm: "Đứng nướng thịt gần lửa nóng, hư, nám da hết. Tui để khét vậy cho bả... đừng bắt tui nướng thịt nữa".

Ngay bữa đầu tiên nấu cơm, Ng. trút hết cơm nguội vô thùng rác. Chị Hương rầy, Ng. nói: "Ở quê tui nấu cơm dư thì đổ cho gà vịt ăn. Người ta chỉ ăn cơm mới nấu chớ hổng ai ăn cơm nguội". Chị than: "Giờ tôi không biết ai chủ, ai tớ nữa!". Chịu hết xiết, chị đang âm thầm tìm người thứ... sáu.

Chị Lý Thị Hoa vừa giúp việc nhà vừa trông em cho một gia chủ ở Q.6, TP.HCM

NHÀ ĐỔI CHỦ

Anh chị H.M. (đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) thuê một cô sinh viên làm việc theo giờ. Thường thì hai cậu con trai của chị là S. và T. đều đi học, đi làm, nên lúc Ch. đến nhà lau dọn ít khi có mặt. Thấy Ch. siêng năng, kỹ lưỡng, anh chị rất hài lòng, thường cho thêm tiền để mua sách vở, ngoài tiền thù lao theo thỏa thuận. Ch. làm việc được hai năm thì một hôm S. và T. đánh chửi nhau ngay tại nhà, trước sự chứng kiến của ba mẹ. S. đánh T. vì tội: "Em mà dám giựt bồ của anh". T. thì nói: "Chính em đến với Ch. trước". Nghe hai con cãi nhau, anh chị mới tá hỏa. Hóa ra cả hai anh em đều là... người yêu của Ch. từ lúc nào anh chị không biết!

Gọi Ch. đến hỏi cho ra lẽ, Ch. thản nhiên kể: "Cháu quen T. trước, nhưng T. còn đi học. Anh S. đến với cháu sau, lo cho cháu đầy đủ. Cháu đã chấm dứt với T., quyết định đến với anh S.".

Trước sự "thật thà" của Ch., anh chị H.M. hoảng hồn, đi đến thỏa thuận "sẽ chu cấp một số tiền để Ch. buông tha cả hai". Nào ngờ Ch. nói: "Anh S. hứa chắc sẽ cưới cháu vì chúng cháu yêu nhau thật lòng. Anh S. nói căn nhà này anh đã được sang tên chủ quyền. Chúng cháu sẽ cưới nhau và ở tại đây". Chị H.M. chới với: "Chuyện đó đúng là sự thật! Vợ chồng tôi đã cho S. đứng tên căn nhà, định khi S. lập gia đình sẽ ở đây. Còn T. và vợ chồng tôi lấy lại căn nhà đang cho thuê bên Phú Mỹ Hưng để ở và cho riêng T. phần đó". Không ngờ, chính vì vậy Ch. đeo bám S., quyết không buông. Anh H.M. thở dài: "Nếu Ch. yêu thương con tôi thật lòng, vợ chồng tôi cũng không chấp, sẵn sàng cưới Ch. làm con dâu. Nhưng đàng này Ch. chỉ mê tiền, làm sao chúng tôi chấp nhận được?".

Chuyện chị Diễm (đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức) còn cay đắng hơn. Chị làm nghề trang điểm cô dâu, chồng chị là thợ chụp hình. Anh chị mở một studio trước mặt tiền nhà chồng để làm ăn. Khi sinh con, chị Diễm phải thuê V., một cô bé 16 tuổi quê ở Hà Tĩnh vào trông em bé. Khi con gái của chị đi nhà trẻ, thấy V. sáng láng, thông minh, chị giữ lại dạy nghề để phụ giúp chị một tay. V. học nghề rất nhanh, chỉ vài tháng sau là có thể trang điểm cho khách, nên chị rất hài lòng, dành thời gian chăm sóc con gái nhiều hơn.

Một năm sau, V. chán ăn, mê ngủ... bụng cứ từ từ to lên, mà tác giả cái bụng lại là anh H., chồng chị Diễm. Ghen mất khôn, chị trở nên dữ dằn, đánh chửi V., đuổi cả chồng... Ba mẹ chồng khuyên can, chị quay sang xúc phạm luôn ông bà "không biết dạy con". V. ôm bụng bầu, cam chịu sự sỉ nhục của chị khiến ba mẹ anh H.... động lòng trắc ẩn, lén bỏ tiền ra thuê nhà cho V. ở chờ ngày sinh. Biết chuyện chị càng lồng lộn, hỗn hào với cha mẹ chồng đến mức bị ông bà quay lưng, ủng hộ con trai ly hôn để cưới V. Sau thời gian quậy tưng bừng, chị Diễm mất chồng, mất luôn cái studio vì nằm trên đất nhà chồng. Dĩ nhiên, bà chủ mới của studio là V.

 NGHI ANH- THÀNH NHÂN 

Mua bảo hiểm cho người giúp việc: Người sử dụng lao động đau đầu

Theo điều 19, Nghị định 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2014, chủ thuê giúp việc có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đồng thời, có nhiều chăm sóc về sức khỏe, tinh thần, bố trí thời gian để người lao động học văn hóa, học nghề...

Bà Trần Thị Hồng, ngụ đường Quang Trung, P.11, Q.Gò Vấp đặt vấn đề: "Tại sao chúng tôi phải ký hợp đồng lao động với người giúp việc, rồi mua bảo hiểm cho họ nữa? Bốn năm qua, nhà tôi phải thay đến 14 người giúp việc. Có người ở ba tháng, chúng tôi đã phải cho nghỉ vì trộm vặt, lười biếng. Mua bảo hiểm, lỡ họ làm ba tháng nghỉ việc, ai trả cho tôi chi phí đó?".

Ông Nguyễn Thành Công, ngụ đường 3/2, Q.11 thắc mắc: "Quy định rất hay, nhưng trường hợp gia chủ bị người giúp việc trộm cắp, xúc phạm thì có được trừ lương không?".

Bà Lê Thị Chi Mai, ngụ đường Trường Chinh, Q.Tân Phú nói: "Tại sao không quy định trích một phần lương của người giúp việc để đóng BHXH như các doanh nghiệp, cơ quan vẫn làm?".

 HẠNH CHI (ghi)

 

Từ khoá: bảo hiểm lao động bảo hiểm xã hội người sử dụng lao động mua bảo hiểm người lao động bão đồng bảo hiểm gia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét