"Hằng tháng công ty tôi vẫn đều đặn trích hơn 200.000 đồng để đóng bảo hiểm. Tôi đinh ninh rằng khi nghỉ làm hoặc sinh đẻ gì đó thì có thể lãnh tiền bảo hiểm mà xoay xở. Ai ngờ vừa qua, tôi xin nghỉ để chăm con thì không nhận được đồng nào khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do thu nhập của công nhân chỉ ba cọc ba đồng..." - chị Nguyễn Thị Tha (nguyên công nhân Công ty Kim Liên Thành, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phản ánh.
Làm khổ công nhân
Nóng lòng trước việc công ty cứ hẹn lần hẹn lữa mà không thấy tiền bảo hiểm đâu, chị Tha làm đơn gửi lên công ty yêu cầu hoàn tất các thủ tục để giải quyết cho chị. Lúc này, người đại diện công ty mới trả lời hiện tại công ty gặp khó khăn về tài chính, không có tiền đóng bảo hiểm nên không thể giải quyết cho chị. Ngoài ra, người của công ty còn bảo: "Chị có thưa kiện thì cũng không giải quyết được gì đâu".
Chị Tha xin nghỉ việc để chăm con đã lâu nhưng vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm. Ảnh: MT
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Phước cho biết: "Hồi tháng 8-2011, mẹ bị bệnh, tôi xin công ty cho nghỉ nửa tháng nhưng không được nên đành nghỉ việc. Sau đó, tôi trở lại xin lãnh tiền bảo hiểm từ năm 2009 đến 2011 nhưng không được công ty giải quyết".
Chị Phước thắc mắc: "Tiền bảo hiểm không phải mình tự cầm đi đóng mà do công ty trừ thẳng vào lương hằng tháng. Giờ công ty lại nói là chưa có tiền đóng bảo hiểm. Tôi không biết số tiền trừ hằng tháng từ lương của mình đi đâu nữa".
Về phía Công ty Kim Liên Thành, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ nhưng đến nay vẫn không được phía công ty trả lời các thắc mắc của người lao động.
Sẽ bị phạt đến 75 triệu đồng
Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết nếu công ty đã trích tiền lương của người lao động nhưng không đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động, công đoàn cơ sở cần kiến nghị thanh tra lao động của Sở LĐ-TB&XH thanh tra, xử phạt, buộc doanh nghiệp phải đóng đầy đủ. Các hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm, đóng không đủ bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. Hành vi không đóng tiền bảo hiểm bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa cũng không quá 75 triệu đồng.
Đồng thời, công ty phải truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng; buộc phải đóng tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm...
Kiện đòi quyền lợi cho công nhân Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo BHXH TP.HCM thông tin: Ngoài trường hợp cụ thể báo nêu, thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp chậm đóng BHXH bắt buộc trong thời gian qua diễn ra phổ biến, trong đó tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, giày da, may mặc... Về nguyên tắc, doanh nghiệp không đóng các khoản bảo hiểm thì cơ quan BHXH rất khó giải quyết các chế độ như thai sản, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động. Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 11-2013, các doanh nghiệp tại TP đã nợ, chậm đóng BHXH khoảng 2.000 tỉ đồng... Phía bảo hiểm và các cơ quan chức năng vẫn luôn tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Ngoài xử phạt, với những trường hợp chây ì, nợ đọng bảo hiểm phía bảo hiểm cũng đã khởi kiện buộc họ phải đóng bảo hiểm cho công nhân. Trong 10 tháng đầu năm 2013, BHXH TP.HCM đã khởi kiện khoảng 600 doanh nghiệp... |
MAI THANH - PHONG ĐIỀN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét