Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động

Vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao độngNgười lao động đăng ký BHTN tại TPHCM.

Quy định "tháng liền kề" trong thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH:

Nhiều người lao động (NLĐ) đã bật khóc khi phản ánh với Báo Lao Động về việc họ bị mất việc, làm việc không công nhiều tháng liền, bị nợ lương, nhưng đến khi đi đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN) lại bị từ chối.

Lý do mà cơ quan chức năng giải thích là NLĐ không đáp ứng được  quy định "tháng liền kề" đóng BHTN được quy định tại Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH (Thông tư 04) của Bộ LĐTBXH ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN.

Đã khổ lại còn bị thiệt

Anh Hoàng Tùng - CN ngành hàng hải làm việc tại TPHCM - phản ánh với Báo Lao Động, tháng 4.2013 anh và Cty thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ nên Cty cũng đã ngừng đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN cho anh.

Vì đặc thù công việc ngành tàu biển nên tháng 7.2013 anh mới được vào bờ, lúc này, Cty mới ra quyết định chấm dứt HĐLĐ để anh Tùng đăng ký hưởng TCTN.

Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục chuyển chế độ BHTN từ TPHCM ra Hải Phòng thì bị Trung tâm đăng ký thất nghiệp ở Hải Phòng từ chối, vì không thỏa mãn điều kiện "tháng liền kề" đóng BHTN.

Anh Tùng nói: "Tôi được cán bộ của trung tâm giải thích rằng, theo thông tư 04 có bổ sung thêm về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định "Người đang đóng BHTN là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN". Vợ ốm nặng nên tôi phải chuyển hẳn về quê, việc làm mới chưa có, trong khi tôi làm việc đã 7 năm, theo Luật BHXH thì tôi phải được hưởng 6 tháng TCTN".

Một cán bộ của Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM cũng cho biết, khi áp dụng Thông tư 04, trung tâm đã từ chối rất nhiều trường hợp NLĐ mất việc, tham gia BHXH, BHTN trên 12 tháng nhưng "tháng liền kề" trước đó không được đóng BHTN nên NLĐ không được nhận TCTN, đặc biệt các Cty nợ BHXH kéo dài, chủ bỏ trốn, DN phá sản, NLĐ đã bị nợ lương, mất việc lại không được nhận TCTN.

Chị Hoa - CN Cty K, huyện Hóc Môn - bức xúc: "Cuối tháng 8, thông tin ông chủ Hàn Quốc chính thức vắng mặt, bỏ mặc Cty với 180 CN và khoản nợ lương, BHXH, BHTN gần 1 tỉ đồng.

Làm ở Cty đã hơn 3 năm, giờ bị nợ gần 3 tháng lương, cứ nghĩ mình còn TCTN, nhưng đến khi hỏi ra mới biết là Cty đã không đóng BHXH, BHYT đã 3 tháng qua nên giờ CN cũng sẽ không được hưởng TCTN vì vướng phải quy định "tháng liền kề".

Doanh nghiệp sai, sao bắt người lao động chịu?

Tính đến 31.5, cả nước có tới 518 DN FDI "vắng chủ". Điều đáng nói, những DN đã "vắng chủ", giải thể, phá sản thì việc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là điều không thể tránh.

Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định "tháng liền kề" theo Thông tư 04 như vậy sẽ đẩy hàng trăm ngàn NLĐ vào cảnh khốn khó.

Một cán bộ làm việc tại Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM nhận xét: "Về lý thuyết, nếu NLĐ không đảm bảo được điều kiện "tháng liền kề" sẽ không được nhận TCTN nhưng tiền đó không bị mất đi, thời gian tham gia BHTN sẽ được cộng dồn vào công việc sau nếu họ tham gia BHTN.

Nhưng thực tế, một khi NLĐ bị mất việc, đi đăng ký BHTN để được nhận TCTN là họ đã thật sự cần số tiền đó để trang trải cuộc sống, đằng này mình lại không cho.

Nhiều trường hợp NLĐ vẫn bị trích lương đóng BHTN nhưng chủ DN lại chiếm dụng không đóng, đến khi chủ DN "bỏ trốn", DN ngừng sản xuất, CN mất việc đi đăng ký BHTN thì lại bị từ chối. Rõ ràng là lỗi của DN nhưng NLĐ phải gánh".

Trao đổi với PV, luật sư Hồ Nguyên Lễ - đoàn luật sư TPHCM - cho rằng, quy định "tháng liền kề" trong Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH "hạn chế" đối tượng hưởng BHTN theo như Nghị định số 127/2008 của Chính phủ và Điều 81 Luật BHXH quy định là những văn bản pháp lý cao hơn đang còn hiệu lực; là những hướng dẫn theo hướng "thắt cổ chai"; là vi phạm đến quyền lợi chính đáng của NLĐ bị thất nghiệp.

Căn cứ Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: "Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn".

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét quy định trên để áp dụng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Từ khoá: người lao động gia quy định việc làm bhtn lao động tphcm bhxh văn bản quy phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp bão thông tư

0 nhận xét:

Đăng nhận xét