Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Ủng hộ việc cho phép nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

(HNMO) - Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi và dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Tại đoàn Hà Nội, các đại biểu cơ bản tán thành các nội dung được đề xuất sửa đổi trong cả hai bộ luật và đánh giá, hai dự thảo luật đã được tiếp thu với chất lượng tốt.

Về dự án Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, đa số các đại biểu ủng hộ việc hộ quy định tuổi kết hôn với nam, nữ là như nhau, từ đủ 18 tuổi trở lên; không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới tính nhưng bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới; cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

"Thực tế có những cặp vợ chồng không thể mang thai nhưng mong muốn có con là chính đáng, nên tôi ủng hộ việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, do việc này có thể có những hậu quả, rủi ro khó lường nên để đảm bảo quyền lợi đôi bên, cần có quy định chặt về tiêu chuẩn sức khỏe, đạo đức của người mang thai hộ", đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh lưu ý thêm.

"Việc mang thai hộ và đẻ thuê có ý nghĩa nhân văn. Nhưng việc mang thai hộ sẽ có nhiều vấn đề liên quan phức tạp, nên để tránh bị lạm dụng, thương mại hóa, cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan", đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi nói.

 

Nhiều đại biểu QH ủng hộ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Nhiều đại biểu QH ủng hộ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Về vấn đề này, đại biểu Đào Văn Bình cũng đề nghị cần quy định rõ thêm trong trường hợp người nhờ mang thai hộ từ chối nhận đứa trẻ sinh ra cũng như trong trường hợp người mang thai hộ không trao trả đứa trẻ cho người nhờ mang thai.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, không nên quy định việc cho phép áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình vì nếu như vậy sẽ làm suy yếu vai trò và tác dụng của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ trong hôn nhân và gia đình cũng như phá vỡ sự thống nhất của pháp luật.

Quan tâm gìn giữ những giá trị truyền thống của gia đình, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cuộc sống xã hội hiện đại với sự phát triển đã phần nào ảnh hưởng đến đạo đức gia phong, đang làm nguy cơ làm xói mòn nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Đại biểu Nghiêm đề nghị có quy định khuyến khích các tôn giáo tham gia vào công tác hôn nhân và gia đình.

Về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu quan tâm đến việc xây dựng giá dịch vụ y tế hiện đang có nhiều bất cập. Ngoài những sự thiếu thống nhất trong quy trình xây dựng giá, thời điểm áp dụng giá giữa các địa phương hiện cũng thiếu thống nhất trong khi mức đóng bảo hiểm y tế của các đối tượng giống nhau, chi phí dịch vụ giống nhau, tạo ra sự không công bằng, gây khó khăn cho những cơ sở y tế được phê duyệt khung giá thấp.

Về vấn đề chuyển tuyến, vượt tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, các đại biểu nhất trí quy định việc quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho những trường hợp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trái tuyến, vượt tuyến với các ca điều trị nội trú, còn với những người đi khám ngoại trú thì quỹ bảo hiểm y tế chỉ chi trả một số bệnh, mức cụ thể do chính phủ quy định.

"Nếu chúng ta cho phép chuyển tuyến, vượt tuyến quá dễ dàng thì cũng là lãng phí", đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi nói.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, nên tạo điều kiện cho người dân khám chuyển tuyến, vượt tuyến chứ "nếu ép vào một chỗ thì rất khó cho người dân". Để giải quyết tận gốc vấn đề, đại biểu Bùi Thị An ủng hộ việc tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân 100%, trong đó cần quy định ngay gói dịch vụ cơ bản và Nhà nước có hỗ trợ với những hộ cận nghèo, gia đình chính sách... Bởi với những chính sách như hiện nay, ngành y tế khó có điều kiện phát triển đáp ứng được yêu cầu của mọi người. Đồng thời, cần da dạng hóa các gói dịch vụ y tế cho mọi đối tượng.

Tán thành việc sớm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân 100%, đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng đề nghị nên tính đến vấn đề xã hội hóa, trong đó việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế nên tập trung ở các bệnh viện công. Theo các nghiên cứu, việc xã hội hóa lĩnh vực này thường có lợi cho người giàu, còn người nghèo thì chịu nhiều bất lợi hơn.

Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế và dự án Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào ngày 26/11 tới.

Từ khoá: khám chữa bệnh mang thai bảo hiểm đồng bảo hiểm điều trị nội trú quy định luật bảo hiểm gia đình bão dịch vụ quỹ bảo hiểm gia không công bằng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét