Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Bảo hiểm y tế - "vắcxin" cho người nhiễm HIV

Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV tham gia BHYT, đó là một trong những giải pháp đang được hướng tới nhằm duy trì các hoạt động điều trị HIV, khi nguồn lực hỗ trợ từ các dự án quốc tế bắt đầu giảm mạnh. 

Sẽ mở rộng sự chi trả của quỹ BHYT

"Nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang giảm mạnh, đây là một thách thức lớn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS vì lâu nay, 90% chi phí điều trị thuốc kháng virút (ARV) cho người nhiễm HIV là nhờ vào sự hỗ trợ này. Không những thế, kinh phí từ ngân sách dự kiến trong năm tới cũng giảm từ 240 tỷ đồng (năm 2013) xuống còn 110 tỷ đồng (năm 2014)", ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết.

 

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế huyện Quế Phong (Nghệ An) đã điều trị dự phòng cho hơn 1.000 trường hợp nhiễm HIV. Ảnh: Dương ngọc - TTXVN

Hiện nay, Luật BHYT và Luật Phòng, chống HIV/AIDS đều có những quy định về việc đảm bảo quyền lợi trong khám, chữa bệnh HIV/AIDS cho người tham gia BHYT. Nhưng thực tế, do các dịch vụ điều trị HIV/AIDS vẫn được đảm bảo từ ngân sách của chương trình điều trị HIV/AIDS (chủ yếu từ sự hỗ trợ của các dự án quốc tế) nên quỹ BHYT chỉ thanh toán một tỷ lệ rất nhỏ.

Vậy nên, từ nay đến năm 2020, khi nguồn lực từ các tổ chức quốc tế giảm mạnh, Bộ Y tế đang tính đến giải pháp: Chuyển dần việc thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS sang Quỹ BHYT thay vì từ chương trình điều trị HIV như hiện nay. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người nhiễm HIV chủ động tham gia BHYT và liệu quỹ BHYT có đủ khả năng cân đối nếu phải "gánh" thêm một khoản chi phí khá lớn mỗi năm?

Hiện nay, Việt Nam có hơn 213.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó hơn 63.000 người ở giai đoạn AIDS. Trong 9 tháng của năm 2013, mỗi ngày cả nước phát hiện thêm 34 người nhiễm HIV.

Bà Dương Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khẳng định: "Chúng tôi đang làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc hình thành phạm vi chi trả của quỹ BHYT trong gói dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Nghĩa là, sẽ phân định rõ, dịch vụ nào do BHYT chi trả và dịch vụ nào sẽ do các chương trình, dự án tiếp tục chi trả. Ví dụ, thuốc điều trị theo phác đồ bậc 2 hiện nay cao gấp 4 - 5 lần so với phác đồ bậc 1; nếu mua với số lượng ít (cho khoảng 3% người bệnh HIV đang điều trị phác đồ bậc 2) thì giá đấu thầu rất cao. Vì vậy, có thể chưa đưa chi phí này vào diện các dịch vụ do BHYT chi trả. Còn thuốc điều trị theo phác đồ 1, các xét nghiệm cơ bản, điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, một số xét nghiệm phục vụ cho theo dõi, điều trị... dự kiến sẽ đưa vào gói quyền lợi cho người bệnh được BHYT chi trả".

Người nhiễm HIV cần tham gia BHYT

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia y tế, việc tuân thủ đúng phác đồ là vô cùng quan trọng trong điều trị thuốc ARV và ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của chính người bệnh. Nếu người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 1 mà ngừng điều trị thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc đang sử dụng và buộc phải chuyển sang phác đồ điều trị bậc 2. Khi đó, người bệnh sẽ phải đối mặt với gánh nặng về tác dụng phụ của thuốc, rồi khó khăn lớn về tài chính và cuối cùng là nguy cơ hết phác đồ điều trị (nếu tiếp tục không tuân thủ theo phác đồ bậc 2). Do đó, Bộ Y tế đang nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT, nhằm đảm bảo sau khi sự hỗ trợ giảm mạnh từ các tổ chức quốc tế thì sẽ không tác động nghiêm trọng đến tài chính, cũng như việc duy trì điều trị của các bệnh nhân HIV.

Khảo sát do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về số lượng bệnh nhân có thẻ BHYT đang được quản lý tại các cơ sở điều trị ngoại trú cho thấy: Số bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ chiếm 15% tổng số người bệnh nhiễm HIV/AIDS; trong đó 51,9% thuộc nhóm đối tượng nghèo, 18,9% thuộc nhóm cận nghèo, 29,2% thuộc các đối tượng khác.

Bà Dương Thúy Anh cho rằng, việc người nhiễm HIV phải bỏ chi phí ra mua thẻ BHYT sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng bỏ điều trị và giảm nguy cơ nhờn thuốc, cũng như bệnh nhân phải chuyển sang phác đồ điều trị khác, tốn kém hơn rất nhiều.

Bộ Y tế đang nỗ lực để đến tháng 1 - 2/2014 có thể ban hành Thông tư hướng dẫn về việc thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV. Sau đó, sẽ tiến hành phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư cho các cơ sở điều trị, đồng thời tiếp tục làm việc với BHXH nhằm đẩy mạnh nhất việc mở rộng sự chi trả của BHYT đối với người nhiễm HIV.

"Tuy nhiên, điều quan trọng là người nhiễm HIV cần chủ động tham gia BHYT. Họ cần coi đó là trách nhiệm và là giải pháp đảm bảo tài chính hữu hiệu nếu có vấn đề về sức khỏe, chứ không riêng gì nhiễm HIV. Người nhiễm HIV có thể đến đăng ký tại các xã, phường để tham gia BHYT tự nguyện, chi phí chưa tới 600.000 đồng/năm", bà Dương Thúy Anh cho hay.

Phương Liên

Từ khoá: bão phòng chống điều trị ngoại trú bệnh nhân quốc tế dịch vụ người bệnh hiv khám chữa bệnh đảm bảo tài chính thanh toán gia tài chính bảo hiểm xã hội bảo hiểm xã hội việt nam chi phí

0 nhận xét:

Đăng nhận xét