(ĐTCK) Sau một thời gian khá dài từ khi ý tưởng được thai nghén đến khi khung pháp lý được hoàn chỉnh, sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng kịp "chào đời" trong năm 2013.
Ngay sau khi được chính thức cấp phép, Dai-ichi Life Việt Nam, công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên được phê duyệt sản phẩm đã có những động thái thăm dò thị trường và khách hàng bằng việc tổ chức một hội thảo tại TP. HCM cho giám đốc tài chính và nhân sự của các doanh nghiệp để cập nhật thông tin về chế độ an sinh xã hội và loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện của Việt Nam vừa được triển khai theo Thông tư số 115/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Hội thảo được coi là khá thành công khi đại diện hầu hết doanh nghiệp được mời đến tham dự ở lại đến giây phút cuối cùng và đặt nhiều câu hỏi về sản phẩm.
Tất nhiên, việc các doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm không đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia sản phẩm này, nhưng dù sao không khí sôi nổi đến phút cuối của một hội thảo giới thiệu sản phẩm bảo hiểm khá mới trên thị trường cũng là một tín hiệu vui với Dai-ichi nói riêng và với các doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện nói chung.
Thông tin mới nhất từ Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, Công ty đã nhận được khá nhiều phản hồi của các doanh nghiệp sau khi kết thúc hội thảo và những hợp đồng đầu tiên cho khách hàng doanh nghiệp đang được soạn thảo.
Trong khi đó, đối với khách hàng cá nhân, công ty này cũng đã chốt được một số hợp đồng.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 11/2013, sẽ có ít nhất hai công ty bảo hiểm nhân thọ đưa sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện ra thị trường.
Sau thời điểm này, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận thêm những sản phẩm tương tự từ các công ty bảo hiểm khác. Tuy nhiên, tiến độ ra mắt sản phẩm này có vẻ sẽ không cấp tập so với kỳ vọng ban đầu, các công ty bảo hiểm có vẻ như vẫn vừa thăm dò thị trường vừa tiếp tục chỉnh sửa sản phẩm. Thậm chí, có công ty bảo hiểm còn dự định năm sau mới cho ra thị trường sản phẩm mới này.
"Chiến lược của chúng tôi về sản phẩm hưu trí tự nguyện là tập trung cho năm sau, vì năm nay sẽ ưu tiên cho sản phẩm giáo dục sắp được ra mắt", đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn chia sẻ với ĐTCK. Vị đại diện này cũng cho biết, Công ty vẫn đang cẩn trọng nghiên cứu thị trường về nhu cầu, khả năng tài chính cũng như phân tích các đặc tính sản phẩm dự tính đưa ra thị trường.
Bảo hiểm hưu trí tự nguyện có đối tượng khách hàng khá rộng, gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, do vậy, đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ được giao triển khai sản phẩm này, ngoài vấn đề tập trung như thế nào để sản phẩm này không lấn át các sản phẩm khác (bảo hiểm liên kết chung)... thì việc đào tạo, quản lý đội ngũ đại lý bán sản phẩm này và dịch vụ làm sao để cạnh tranh với các công ty khác cũng cần được nghiên cứu kỹ.
Thực tế, để nhận được cái "gật đầu" của Bộ Tài chính cho sản phẩm ra thị trường, các công ty bảo hiểm đều phải giải trình nhiều vấn đề rất cụ thể như: dự kiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và sản phẩm bảo hiểm hưu trí trong vòng 5 năm tới, giải trình cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc triển khai sản phẩm, các phương án xử lý của doanh nghiệp bảo hiểm đối với quỹ hưu trí trong các trường hợp khách hàng yêu cầu trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm, khách yêu cầu chuyển giao tài khoản bảo hiểm hưu trí....
Vì là sản phẩm mới và khá phức tạp nên không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan chức năng cũng phải rất kỹ càng và chặt chẽ khi phê duyệt.
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, vì sản phẩm hướng nhiều đến yếu tố an sinh - xã hội nên nếu tính toán không chặt chẽ, các công ty bảo hiểm khó có khả năng có lãi.
Chính vì vậy, để một sản phẩm được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng thành công ngay từ khi mới chào đời nhằm tạo tiền đề tốt cho kế hoạch "đường dài" sau này, các công ty bảo hiểm nhân thọ đều không quá vội vàng khi tung sản phẩm ra thị trường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét