Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Ký hợp đồng, đóng BH cho người giúp việc nhà: Quy định cho... có (!?)

PN - Pháp luật lao động quy định lao động giúp việc gia đình (LĐ GVGĐ) phải được ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bằng văn bản, được trả tiền bảo hiểm nhưng chỉ là quy định cho... có, vì không có chế tài xử phạt nên không ai thực hiện.

Mười mấy năm trước, chị Ngọc Anh từ Nghệ An vào TP.HCM để giúp việc cho một số gia đình ở Q.Tân Bình. Hiện chị đang làm giúp việc cho gia đình chị Lê Hương ở Q.2.

 Khi được hỏi làm việc có HĐLĐ không, chị Ngọc Anh nói, không hề biết đến HĐLĐ là gì. Chị chỉ có thỏa thuận miệng với chủ nhà tiền lương ba triệu đồng; ăn ở chủ lo; công việc bao gồm vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát, phụ giữ con...; đến Tết được chủ nhà mua vé xe cho về quê. Khi được hỏi đến việc chủ nhà có trả tiền để mua BHXH, BHYT không thì chị Ngọc Anh cho biết: "Hàng tháng cứ đủ tiền tươi, thóc thật là tốt rồi. Hơi đâu lo mấy cái chuyện bảo hiểm cho phiền phức. Thỉnh thoảng tôi bị ốm vặt, chủ nhà cho tiền ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống là xong".

Theo khảo sát của chúng tôi, người sử dụng lao động cũng như LĐ GVGĐ không biết luật pháp quy định phải ký kết hợp đồng, đóng BHXH là tình trạng khá phổ biến.

Hiện nay, vấn đề ký HĐLĐ cho người giúp việc chưa được quan tâm (Ảnh minh họa: Đào tạo nghề giúp việc gia đình. Nguồn: Internet)

Theo luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện đa số người GVGĐ đều không có ký kết HĐLĐ, các thỏa thuận về tiền lương, thời gian và địa điểm làm việc... cũng hoàn toàn bằng miệng do thói quen và do nhiều người vẫn xem đây là nghề mang tính tạm thời.

Ngoài ra, do nhận thức còn hạn chế nên việc người LĐ yêu cầu chủ nhà thực hiện các quyền lợi theo quy định là vấn đề nan giải. Do đó, hai bên thường thỏa thuận tiền lương một cục. Theo luật sư Cường, dù luật có quy định nhưng lại không có chế tài xử phạt nên rất khó bắt buộc các chủ nhà ký HĐLĐ, đóng BHXH cho người GVGĐ. Ngoài ra, việc trả tiền đóng BHXH thế nào cũng không có quy định rõ ràng như ở các doanh nghiệp (theo tỷ lệ phần trăm từ tiền lương của người LĐ và tiền doanh nghiệp đóng vào).

Ông Phạm Việt Tiến, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TP.HCM) cho rằng: quy định về BHXH, BHYT thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với nhóm LĐ yếu thế, song đi vào thực tế còn nhiều khoảng cách. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể, tổ chức hội... để người thuê mướn và người GVGĐ hiểu về các quyền lợi, hiểu việc mua BHYT, BHXH tự nguyện là quyền lợi lâu dài cho người LĐ cả khi về già chứ không chỉ là trước mắt.

 Quỳnh Mai - Thanh Sơn

Từ khoá: quyền lợi bhxh luật sư gia người sử dụng lao động tiền bảo hiểm trả tiền bảo hiểm quy định

0 nhận xét:

Đăng nhận xét