Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Bảo hiểm xã hội: Hội chứng "nhờn pháp luật"

(PetroTimes)- Sau 6 năm đi vào thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thể hiện nhiều bất cập và kẽ hở khiến các hành vi "lách luật" có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT xảy ra rất đa dạng, với nhiều hình thức khác nhau, có nhiều trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT mà còn tác động xấu đối với trật tự, an toàn xã hội.

>> Bảo hiểm xã hội: Bó tay trước nợ xấu

>> Những chiêu trò trốn đóng bảo hiểm

Không coi kỷ cương ra gì

Cho đến thời điểm này, do chế tài xử phạt quá nhẹ, nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng BHXH và chấp nhận việc chịu phạt nhưng chưa có doanh nghiệp nào bị rút giấy phép kinh doanh do trốn, nợ BHXH.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết: Do doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT nên khi cần giải quyết các quyền lợi của mình như: ốm đau, thai sản, hưu trí, tai nạn lao động sẽ không thực hiện được. Trường hợp người lao động ở các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT bị mất việc làm, cơ quan BHXH cũng không thể tiến hành chốt sổ BHXH nên người lao động sẽ không thể hoàn tất hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo bà Mai, một phần nguyên nhân dẫn tới việc tổng số nợ BHXH, BHYT tăng thời gian qua là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thất bát, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nổi của tảng băng vì không phải gần đây tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp mới diễn ra. Thực tế, kể cả ở giai đoạn làm ăn có lãi, rất nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình trốn đóng hoặc chây ỳ không đóng, trong khi hàng tháng vẫn khấu trừ phần trăm tiền BHXH, BHYT từ tiền lương của người lao động.

Với doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân, số tiền BHXH mà doanh nghiệp chiếm dụng của người lao động có thể lên tới nhiều tỉ đồng. Xét về thực chất, đây là hành vi chiếm đoạt tiền của người lao động, có thể xử lý hình sự. Thế nhưng, điều bất cập là theo luật hiện hành, hành vi này mới chỉ bị xử lý hành chính. Dù cơ quan BHXH các địa phương đã nhiều năm kiến nghị sửa luật nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

Tại thời điểm này, theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 về hướng dẫn xử phạt trong lĩnh vực lao động. Mức phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chỉ dừng ở mức 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng. Điều đó có nghĩa, cho dù doanh nghiệp nợ bảo hiểm nhiều hay ít thì mức phạt cũng chỉ ở 12-15% và số tiền phạt so với số tiền trốn hay nợ bảo BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng chỉ như muối bỏ bể. Với số tiền chiếm dụng hàng tỉ đồng nếu đem gửi ngân hàng, doanh nghiệp sẽ thu lợi lớn nên tình trạng vi phạm ngày càng tràn lan, họ sẵn sàng vi phạm và chịu phạt.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 138 Luật BHXH và Khoản 2 Điều 49 Luật BHYT, đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT thì ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải đóng số tiền lãi của số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư quỹ BHXH trong năm; số tiền BHYT và tiền lãi của số tiền BHYT chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Mức phạt theo "lãi suất" này quả là chưa đủ sức để răn đe. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngày càng "nhờn" và tìm mọi cách để lách luật, trục lợi từ những kẽ hở của pháp luật. Tâm lý thà đóng phạt còn hơn đóng đủ bảo hiểm đã tồn tại nhiều năm tại các doanh nghiệp.

Thuốc đắng mới... dã tật

Hiện nay, việc các cơ quan BHXH có thể làm là khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù thắng kiện nhưng số tiền đòi được cũng rất hạn chế... do còn nhiều vướng mắc. Theo Ông Nguyễn Dương, Phó trưởng phòng Thu - BHXH Hà Nội, nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là do tình trạng kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Nhưng cũng có một thực tế, không ít doanh nghiệp đang lợi dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để sử dụng kinh doanh, đầu tư kiếm lời.

Cơ quan bảo hiểm muốn khởi kiện ra tòa thì thủ tục cũng rất phức tạp, việc mỗi tòa án lại tiếp nhận và thụ lý hồ sơ ở một khía cạnh riêng cũng tạo ra khó khăn cho cơ quan BHXH khi khởi kiện. Thủ tục, quá trình tiến hành xét xử vụ án thường kéo dài, số lượng doanh nghiệp nợ đọng lại nhiều, rồi khi khởi kiện thành công, việc thi hành án cũng khó khăn do thời gian thi hành án có thể kéo dài tới 5 năm...

Nếu doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ, không thi hành phán quyết của tòa án, cơ quan BHXH cũng không thể làm gì được, thậm chí còn phải tạm ứng thêm lệ phí thi hành án. Nhiều doanh nghiệp còn giở chiêu trò rút hết tiền trong tài khoản để không thể thu hồi nợ cho nên khi tổ thu hồi nợ liên ngành tiến hành phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp thì số dư trong tài khoản rất ít, chính vì thế việc thi hành án không thực hiện được. Bên cạnh đó, việc phong tỏa tài khoản ngân hàng của một doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng vì dễ động chạm đến lợi ích của các ngân hàng. Trong trường hợp doanh nghiệp tuyên bố phá sản, các tài sản có giá trị cũng thường được thế chấp để vay ngân hàng nên dù bản án có hiệu lực pháp luật thì có muốn cưỡng chế, cơ quan thi hành án cũng không thể tịch thu được các tài sản đó.

Là một trong những tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều biện pháp cùng với các cơ quan chức năng giải quyết tình trạng này. Tổng Liên đoàn đã tổng hợp các kiến nghị của đoàn viên và người lao động, đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm khi xây dựng Luật BHXH sửa đổi cần xem xét việc người lao động đã đóng tiền BHXH mà người sử dụng lao động không đóng cho cơ quan BHXH thì người lao động vẫn được thực hiện các chính sách về BHXH. Đồng thời, tăng mức xử phạt hành chính đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: "Hiện nay việc chiếm dụng quỹ BHXH mức phạt rất nhẹ. Nên việc sửa luật sắp tới, hệ thống công đoàn kiến nghị cần sửa thế nào để tất cả các doanh nghiệp cùng một sàn chung thấy rằng, chấp hành nghiêm luật pháp thì có lợi cho mình còn vi phạm thì thiệt hại. Tổ chức công đoàn đã làm việc với BHXH Việt Nam và phân tích rằng, việc đóng chậm, nợ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động nên không trừng phạt người lao động được và đều thống nhất chỉ giải quyết được vấn đề này bằng cách sửa luật".

Doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT khiến quyền lợi của người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lao động bất bình và dẫn đến những cuộc đình công, biểu tình tập thể, ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có một cách khả thi nhất để hạn chế việc trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài của doanh nghiệp đó là nhanh chóng đưa hành vi này vào diện xử lý hình sự với người đứng đầu đơn vị vi phạm nhiều lần hoặc có số tiền nợ lớn. Nếu chưa làm được ngay thì cần tăng mạnh mức xử phạt hành chính chứ chỉ dừng ở 12-15% thì vẫn còn quá nhẹ. Khi chưa làm được điều này, quyền lợi chính đáng của hàng trăm nghìn lao động sẽ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng.

Diệu Thuần

Từ khoá: luật doanh nghiệp chiếm dụng xử phạt bảo hiểm thất nghiệp bảo hiểm xã hội luật bảo hiểm xã hội bảo vệ quyền lợi tai nạn lao động việt nam khó khăn bảo hiểm giải quyết khởi kiện luật bảo hiểm người sử dụng lao động pháp luật bão đồng bảo hiểm kiện ra tòa bhxh ngân hàng người lao động quyền lợi vi phạm lao động quy định giấy phép kinh doanh doanh nghiệp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét