Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Thấy gì từ 'dàn lãnh đạo' mới của Trung Quốc?

Chưa rõ việc bổ nhiệm nhân sự mới có báo hiệu một sự thay đổi trong xu hướng quyết liệt mà chính sách của Bắc Kinh đang theo đuổi đối với các tranh chấp chủ quyền với láng giềng.

Trong khi Mỹ tiến hành dịch chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á, tập hợp lực lượng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang tiến hành điều chỉnh theo hướng ngược lại, đẩy mạnh tấn công ngoại giao vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách thành lập một tổ phụ trách chính sách đối ngoại mới bao gồm các chuyên gia về Mỹ và khu vực.

Các chức danh mới của các nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Vương Nghị (Wang Yi), và Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) được Quốc hội Trung Quốc công bố. Cùng với nhau, những cá nhân được đề bạt này cho thấy rằng Trung Quốc muốn cải thiện phương cách, nếu không nói là cả bản chất, mối quan hệ với Mỹ.

Ông Dương Khiết Trì là người đứng đầu Bộ Ngoại giao trong suốt 5 năm qua, lên làm Ủy viên Hội đồng Nhà nước, chức vụ thấp hơn Phó Thủ tướng một bậc. Vị chính khách 62 tuổi, thông thạo tiếng Anh và nguyên là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ này được kỳ vọng sẽ tập trung vào các chiến lược lớn, bao gồm tư duy mới nhằm củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc ở sân khấu chính, châu Á - Thái Bình Dương.

Việc triển khai chính sách đối ngoại hằng ngày sẽ giao cho Bộ trưởng Ngoại giao mới được bổ nhiệm Vương Nghị, 59 tuổi, người đã có cả sự nghiệp công tác tại bộ này (trừ 5 năm vừa qua, khi ông đứng đầu Văn phòng Ngoại giao Đài Loan, một cơ quan ngang bộ, phụ trách chính sách của đại lục đối với Đài Loan).

Vương Nghị, nguyên là đại sứ tại Nhật Bản từ năm 2004 -2007 và Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao, sẽ là người chuyên về châu Á đầu tiên trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Những người nắm giữ cương vị này trước kia đều là các chuyên gia về Nga hoặc Mỹ.

Ông Tập Cận Bình

Ông Thôi Thiên Khải, 60 tuổi, một chuyên gia về Mỹ với cương vị đương nhiệm là Thứ Trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ, sẽ trở thành đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Ông Thôi cũng có nhiều kinh nghiệm về châu Á. Trước đây ông từng thay thế Dương Nghị làm đại sứ Trung Quốc tại Tokyo từ năm 2007-2009.

Mặc dù cả ba chuyên gia đối ngoại này được đánh giá là những người theo đường lối ngoại giao mềm dẻo, chưa rõ việc bổ nhiệm họ có báo hiệu một sự thay đổi trong xu hướng quyết liệt mà chính sách của Bắc Kinh đang theo đuổi đối với các tranh chấp chủ quyền đối với láng giềng.

Tại Trung Quốc, các chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia quan trọng không được quyết định bởi Bộ trưởng Ngoại giao mà bởi Ban chỉ đạo trung ương của Đảng Cộng sản về Các vấn đề đối ngoại do Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người đứng đầu. Các thành viên cơ quan liên bộ cấp cao này bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, quân đội và Bộ An ninh Quốc gia, cũng như các bộ về năng lượng và ngoại thương. Nhưng các nguồn tin thông thạo về cơ quan đối ngoại này cho biết, Tập Cận Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung Ương, đã trao cho các tướng lĩnh - nhiều trong số đó là con cháu của các vị lão thành trong đảng - một tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề an ninh quốc gia so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, về tính biểu tượng và không khí thì ít nhất, bộ ba ngoại giao mới này cungx được đánh giá là có cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với điểm nóng đang lo ngại nhất ở châu Á: tranh cãi dữ dội giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền một nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku.

Với quan điểm phổ biến trong giới lãnh đạo đảng rằng việc tăng cường liên minh quốc phòng Mỹ - Nhật - áp dụng đối với cả Senkaku/Điếu Ngư - là một trọng tâm trong sự chuyển hướng chiến lược về châu Á của Washington, việc thay đổi nhân sự tại Bắc Kinh cũng sẽ ảnh hưởng tới phương cách, nếu không nói là cả bản chất, cách thức đảng Cộng sản Trung Quốc theo đuổi mối quan hệ với Mỹ.

Sự trở lại của Vương Nghị trong Bộ Ngoại giao sau 5 năm thành công trên cương vị người chỉ đạo chính sách Đài Loan của Bắc Kinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Là một người thông thạo tiếng Nhật, ông Vương từng có công lớn giúp phá vỡ bế tắc trong quan hệ Trung - Nhật trong giai đoạn 2001-2006, khi ông Junichiro Koizumi làm thủ tướng Nhật Bản.

Koizumi gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc bằng các hành động khiêu khích, như hằng năm thăm viếng ngôi đền Yasukuni vinh danh các lính Nhật hy sinh trong Đại chiến thế giới thứ hai, bao gồm 14 tội phạm chiến tranh. Sau khi Koizumi tuyên bố kế hoạch từ chức vào tháng 6/2005, ông Vương đã phụ trách nỗ lực hàn gắn rạn nứt của Trung Quốc khi tiến hành các cuộc hội đàm kín với Tổng thư ký Nội Các Nhật khi đó là ông Shinzo Abe, người được ủng hộ thay thế ông Koizumi.

Hoạt động ngoại giao kín đáo này đã dẫn tới cuộc viếng thăm của ông Abe tới Bắc Kinh hồi tháng 10/2006, chưa đầy 2 tuần sau khi ông lên giữ chức vụ thủ tướng kế nhiệm Koizumi (ông Abe, sau 5 năm tạm nghỉ ngơi, tiếp tục được bầu làm thủ tướng hồi tháng 12/2012). Chuyến thăm đó vẫn diễn ra bất chấp sự đổng cảm về tư tưởng giữa Koizumi và Abe, cả hai đểm ủng hộ một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn với Trung Quốc cũng như sửa đổi hiến pháp Nhật để cho phép Nhật cải tổ lực lượng phòng vệ thành lực lượng quân đội thường trực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó đã miêu tả chuyến thăm năm 2006 của ông Abe là chuyến đi "phá tan băng". Ông Abe được cho là đã đưa ra cam kết cá nhân không tới thăm ngôi đền trong thời gian tại chức, và Bắc Kinh cũng đề nghị tập trung vào hợp tác kinh tế, trong khi tạm thời gác qua một bên các vấn đề ý thức hệ và lịch sử, theo như một số nguồn tin ngoại giao tại Tokyo và Bắc Kinh cho biết.

Ông Vương Nghị cũng đã giúp đàm phán thành công việc nối lại quan hệ trong những năm qua giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng cầm quyền tại Đài Loan. Được biết đến với vẻ lôi cuốn và sự khôn khéo, ông có thể là một sự bổ trợ cho Dương Khiết Trì, người nổi tiếng là một chiến lược gia có đầu óc.

Với việc bổ nhiệm Dương Khiết Trì lên cương vị Ủy viên Hội đồng nhà nước phụ trách đối ngoại, giới lãnh đạo đảng có thể cũng muốn gửi đi tín hiệu rằng họ đang xem xét một cái nhìn đa chiều hơn đối với sự chuyển hướng chiến lược của Obama mà một số người trong giới lãnh đạo đảng nhìn nhận là động thái nhằm kiềm chế Trung Quốc. Dương Khiết Trì có nhiều kinh nghiệm với Mỹ hơn vị Ủy viên Quốc vụ viện sắp mãn nhiệm, Đới Bỉnh Quốc, người chủ yếu dành phần lớn sự nghiệp cho các vấn đề Nga và Đông Âu. Ông Dương cũng những kinh nghiệm ngoại giao đầu tiên khi làm phiên dịch cho cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush khi đó làm giám đốc Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh (tiền thân của Đại sứ quán) của Mỹ hồi giữa những năm 1970. Tổng cộng Dương Khiết Trì, cựu sinh viên trường London School of Economics, đã từng có 3 lần đi nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washingtion trên các cương vị khác nhau.

Ông Dương còn có mối quan hệ nồng ấm với các chính trị gia Mỹ và đặc biệt là giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Theo các nguồn tin ngoại giao, ông muốn dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho việc vận động các công ty đa quốc gia Mỹ. Những nguồn tin này cũng cho biết, Bắc Kinh hy vọng sẽ thuyết phục được Nhà Trắng xem xét đặt kinh tế lên trên vấn đề ý thức hệ trong các chính sách đối với Trung Quốc. Còn ông Thôi Thiên Khải, người từng theo học Đại học Johns Hopkins và tham gia công tác tại phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc những năm 1980, có thể là một ứng cử viên thích hợp cho việc theo đuổi các hoạt động ngoại giao nhân dân mới này với Mỹ.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng, dù thay đổi trong phong cách và định hướng như thế nào, thì việc đề bạt bộ ba này cũng không nhất định sẽ báo hiệu một sự xuống thang những ồn ào quân sự của Bắc Kinh. Các tướng lĩnh Trung Quốc phần lớn ủng hộ quan điểm hiếu chiến - họ nhiệt tình lặp lại những lời kêu gọi của Tập Cận Bình trong suốt hai tháng qua đối với Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) "sẵn sàng chiến đấu tốt và đánh thắng mọi cuộc chiến".

Tướng Ngụy Phương Hòa (Wei Fenghe), chỉ huy lực lượng tên lửa Trung Quốc, nói hồi tháng 2, PLA phải "cải thiện kỹ năng chiến đấu" và "phải hoàn thành nhiệm vụ giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến đấu". Và một bài bình luận mới đây trên tờ Nhật báo Quân đội giải phóng Nhân dân còn lập luận, quân đội Trung Quốc phải tự thoát khỏi "sự trì trệ thời bình và các thói xấu khác tích tụ trong thời gian dài hòa bình".

Hồi tháng 4/2012, nhà bình luận quân sự nổi tiếng, Thiếu tướng La Viện (Luo Yuan), thì kêu gọi chiến tranh hạn chế để "trừng phạt" Philippine vì dám xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, và thậm chí đến tháng 1/2013 còn kiến nghị với truyền thông nhà nước,Trung Quốc "phải nâng cao cảnh giác trước các cuộc tấn công quân sự lén lút của các nước khác".

Cho dù các nhà ngoại giao như Phó Oánh (Fu Ying), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phụ trách khu vực châu Á, liên tục nhắc lại cam kết "phát triển hòa bình" trong các vấn đề quốc tế, Trung Quốc vẫn tăng cường tần suất "tuần tra" Điếu Ngư/Senkaku bằng các tàu giám sát biển và các tàu bán quân sự khác.

Còn quá sớm khi nói rằng việc bổ nhiệm các nhà ngoại giao với kinh nghiệm hàng chục năm trong việc theo đuổi các mối quan hệ có lợi với Nhật Bản và Mỹ báo hiệu một sự thay đổi căn bản trong quan điểm đề phòng của chính quyền Tập Cận Bình đối với việc triển khai sức mạnh ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ít nhất, những sự thay đổi nhân sự này có thể cho thấy, các cơ quan quyết sách cấp cao đang xem xét những lựa chọn khác thay vì không ngừng gióng lên hồi trống chiến tranh.

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt

Từ khoá: thay đổi chuyên gia nhật bản thủ tướng chiến lược quân sự gia trung quốc kinh nghiệm bão nhà nước chính sách quân đội chiến tranh đại sứ quán tổng thư ký

0 nhận xét:

Đăng nhận xét