Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Lại chuyện… xem voi!

GiadinhNet - Trong khi Bộ Xây dựng vừa đưa ra nhận định rằng, thị trường địa ốc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM "đang ấm lên" thì một chuyên gia khá độc lập cả về nhận thức, quan điểm lẫn hướng đi trong ngành này đã phản biện ngay trên mạng xã hội.

Ông ấy bảo đại ý rằng, cái chuyện "ấm" hay "lạnh" phải xuống thực tế thay vì chỉ ngồi trên bàn giấy mà đo đếm từ các con số mà phần nhiều đã được "chế biến" để rồi nhận định sai lệch về thị trường. Mà, mọi nhận định nếu sai lệch, dù cố ý hay vô tình, đều có thể sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới đại bộ phận dân chúng.

Trong khi Bộ Xây dựng vừa nói về cái "ấm" của địa ốc thì khảo sát thị trường của một công ty khá uy tín là CBRE mới đây lại cho thấy nhiều điều khác lạ. Theo đó, đơn cử như thị trường Hà Nội, cái "ấm" lên có chăng cũng chỉ là phân khúc nhà giá thấp (dưới 1 tỷ đồng/căn). Mà cái nhà giá thấp này thì với ngành xây dựng ở nước ta mấy năm vừa qua chỉ là cách… nhặt bạc lẻ. Vì lòng tham, vì muốn "gặt nhanh ta gánh về", thậm chí là cả vì cái sự sĩ diện hão phải làm "hoành tráng" nên những năm trước đây, thị trường chỉ ngổn ngang những dự án lớn, những khu đô thị đình đám với những chung cư hàng trăm nghìn, hàng triệu USD. Thế nên, nhà giá thấp mới hiếm, mới đắt đỏ, mới có cảnh chen lấn để mua, "cò vạc" hoành hành…

Trong khi Bộ Xây dựng nói về sự khởi sắc thị trường, có thể đã bỏ qua cái tâm lý một thời rằng, làm địa ốc là phải… hoành tráng. Cái kiểu nhặt nhạnh tiền lẻ từng bị các đại gia địa ốc thờ ơ cười mỉa, thậm chí là coi như mẻ. Người người lao vào xây chung cư cao cấp, nhà nhà đầu tư làm đô thị thương mại với giá hàng mấy chục triệu đồng/m2. Cuối cùng, chuyện "nhặt bạc lẻ" đâm ra bị coi rẻ. Thế nên mới có chuyện, phân khúc nhà giá thấp chỉ chiếm có 20% thị trường bây giờ đang "cháy khát", trong khi đó 80% phân khúc hoành tráng còn lại vẫn "chết thê thảm". Mà, cái "ấm" của 20% thị trường có thể nào so được với cái chết lặng của 80% còn lại. Nếu mà thế, nhìn tổng thể, là "ấm" hay "lạnh", là "sống" hay "chết"?

Thứ dân cần thì thiếu, thứ dân "ghét" (vì không với tới) thì thừa, trách nhiệm này của ai? Cái kiểu mạnh ai nấy làm, làm theo cảm tính của công ty cho thấy cả cái tư duy cũng hết sức cảm tính của cơ quan quản lý. Thậm chí bây giờ, khi cần một nhận định khách quan thì đó cũng là một nhận định đầy… cảm tính. Bởi, sao có thể chỉ nhìn vào cái ồn ào nhỏ nhoi để "phán" sai lệch về cái lạnh lẽo bao trùm?
Thường Sơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét