Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Mỹ muốn gì khi mời Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC 2014?

ANTĐ - Ngày 3-4 vừa qua, Tạp chí "Nhà ngoại giao" của Nhật Bản đã cho biết, Trung Quốc đã tiếp nhận lời mời của Mỹ, đồng ý tham gia diễn tập quân sự liên hợp "Vành đai Thái Bình Dương 2014" (RIMPAC 2014). Vậy đằng sau lời mời này có ẩn ý gì?

Tạp chí này cho biết, việc Washington mời Bắc Kinh tham gia với mục đích đánh tan sự nghi ngờ trong lòng người Trung Quốc về mục đích cuộc diễn tập này chính là nhằm vào họ, mà hiện nay Trung Quốc cũng muốn thông qua những hoạt động quân sự liên hợp để biểu thị sự minh bạch quân sự của mình trước thế giới. Thế nhưng, sự tham gia của Trung Quốc đem lại những lợi ích gì cho quan hệ Trung - Mỹ thì vẫn còn là một dấu hỏi.

Cuộc diễn tập quân sự cực lớn 2 năm 1 lần này là hoạt động quân sự chung lớn nhất của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương với sự tham gia của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Năm 2010 có mặt 14 quốc gia, còn năm 2012 có tới 22 nước tham dự. Các khoa mục chủ yếu được thực hành trong các cuộc diễn tập RIMPAC bao gồm các đợt huấn luyện trên biển, diễn tập quân sự và diễn tập tìm kiếm, cứu nạn.

Tạp chí "Diplomat" cho biết, động thái này của Mỹ không làm người ta ngạc nhiên, vì sự vắng mặt của Trung Quốc trong cuộc diễn tập lần trước đã nhận được rất nhiều sự chú ý. Cho đến năm nay, Mỹ đã thể hiện sự quan tâm khi đầu tháng 1 họ đã gửi lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập đa quốc gia này và đến tháng 3, Bắc Kinh đã gật đầu đồng ý.

Việc hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC 2014 có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả 2 bên. Về phía Mỹ, điều này rất phù hợp với nguyện vọng thông qua các cuộc diễn tập quân sự chung để tăng cường quan hệ với hải quân Trung Quốc, làm giảm căng thẳng quân sự Trung - Mỹ.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa trong cuộc diễn tập RIMPAC 2012

Ngoài ra, nó cũng là đáp án trả lời câu hỏi mà Bắc Kinh vẫn canh cánh trong lòng, là việc không ngừng mở rộng quy mô của cuộc diễn tập lớn nhất khu vực này thực chất không nhằm vào Trung Quốc. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là thông qua các cuộc diễn tập chung để tăng sự hiểu biết về mức độ hiện đại hóa và thực chất khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc.

Thế nhưng, không biết việc Trung Quốc tham gia diễn tập lần này đem lại lợi ích gì cho quan hệ Trung - Mỹ? Đầu tiên, rất khó dự đoán là việc tăng cường hợp tác quân sự chung có ảnh hưởng thế nào đến quan hệ giữa 2 nước. Tuy đã đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương nhưng cả 2 bên vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc, thậm chí có lúc quan hệ quân sự giữa 2 bên đã đi vào ngõ cụt.

Trên thực tế, mục đích Mỹ mời Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC 2014 chính là biểu thị trước "bàn dân thiên hạ" rằng mình không sử dụng các biện pháp kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên cần chú ý đến tính hai mặt của nó.

Trước hết có thể khẳng định, nỗ lực này gần như là vô nghĩa vì Mỹ chính là động lực cho sự "quật khởi" của Trung Quốc, trong quá trình "trỗi dậy" của họ, mục đích lật đổ chính là Mỹ, nếu Bắc Kinh cứ kiên quyết cho rằng, Washington đang kiềm chế mình thì không biết Mỹ sẽ giải thích thế nào để thuyết phục Trung Quốc?

Thứ hai: Hoa Kỳ đang dốc toàn lực để kiềm chế Trung Quốc, mục đích này trước sau không hề thay đổi. Tuy chính phủ Mỹ năm lần bảy lượt cam đoan là không hề có điều đó nhưng đó chỉ là những thảo luận trong các hoạch định chiến lược "trên bàn giấy". Nói cách khác, cam kết này cơ bản là không hề đề cập đến mục đích và ý đồ của Trung Quốc, nó còn thiếu một chữ "NẾU..." ở đằng sau.

Ví dụ như: Nếu mục đích của Trung Quốc là tấn công vào California thì tất nhiên là Mỹ sẽ dốc toàn lực để kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc. Điều này nghe có vẻ hơi phóng đại nhưng nó chứng tỏ một điều, sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn là một mối lo cánh cánh trong lòng của Mỹ.

Sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc cũng có một phần trách nhiệm của Mỹ?

Trên thực tế, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn lên tất yếu sẽ làm giảm vị thế độc tôn của Mỹ. Vì vậy, tuy Mỹ vẫn khẳng định là họ không nhằm vào Trung Quốc nhưng điều đó không làm người ta tin. Thế nhưng, thái độ lập lờ, không rõ ràng của Mỹ cũng làm nhiều đồng minh không hài lòng, họ cho rằng, chính thái độ không kiên quyết của Mỹ đã làm Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và ngạo mạn hơn.

Cuối cùng, Tạp chí "Nhà ngoại giao" kết luận: Washington cần bày tỏ thái độ kiên quyết và nhất quán là có kiềm chế Bắc Kinh hay không? Họ cần phải xác định rõ ý đồ của Trung Quốc và tiên lượng có thể chấp nhận được điều đó hay không?

Thế nhưng, dò tìm được ý đồ thật sự của Trung Quốc là điều rất khó, vì vậy Mỹ nên chủ động kiềm chế Trung Quốc. Với những vấn đề "bùng nhùng" đằng sau hậu trường như thế, việc Mỹ đưa ra lời mời và Trung Quốc đồng ý tham gia diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014" cũng chẳng nói lên được điều gì.

Nguyễn Ngọc

Theo "Nhà ngoại giao" (Diplomat)/Nhật Bản

Từ khoá: chính phủ mỹ quân sự trung quốc gia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét